Lập trình viên học tiếng anh

Đăng bởi: Admin | Lượt xem: 2657 | Chuyên mục: Chuyện Nghề

Ai cũng biết học ngoại ngữ là cần thiết, là điều kiện để có được một công việc ưng ý trong tương lai cũng là điểm tựa để chúng ta vươn đến những chân trời mới. Tuy nhiên có rất nhiều bạn trẻ không làm được việc này, đặc biệt là với các lập trình viên.


Tại sao lại thế? Để mình đưa ra các ví dụ: Với dân ngoại thương, khi vào trường họ đã có chút ít vốn liếng về ngoại ngữ thậm chí đã rất giỏi ngoại ngữ. Với dân kinh tế, ngân hàng họ học không quá nặng, họ có thời gian chăm chút cho các kỹ năng và ngoại ngữ là một trong số những ưu tiên hàng đầu. Còn lại, với các bạn học y, xây dựng hay công nghệ thông tin, chương trình học quá nặng nên thời gian dành cho ngoại ngữ là rất hạn chế. Bên cạnh đó tính chất nghề nghiệp khiến nhiều sinh viên không thực sự coi trọng ngoại ngữ như những trường khác.

Lập trình viên học ngoại ngữ để làm gì?


Nhiều trải nghiệm hơn: Ngoại ngữ mở ra cho ta những chân trời mới, đem lại những nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Bạn có thể xem phim mà không cần phụ đề, đọc truyện bằng tiếng Anh, cập nhật những công nghệ mới qua Internet,… Đặc biệt với người lập trình, ngoại ngữ giúp các bạn tra cứu tài liệu từ nước ngoài một cách dễ dàng, giúp bạn hiểu sâu hơn về những thứ mình đang học bởi ngôn ngữ lập trình, các phần mềm code, … đâu phải do người Việt sáng tạo ra.

Cơ hội nghề nghiệp: Thực tế vẫn rất nhiều lập trình viên thành công mà chẳng biết tí ngoại ngữ nào. Phải, bạn có thể vin vào đó để cho rằng mình không cần học ngoại ngữ mà vẫn thành công. Nhưng với ngoại ngữ, bạn có thể sẽ được rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài săn đón, gặp gỡ những bậc thầy về lập trình,…

Làm thế nào để giỏi ngoại ngữ?

Mình không đề cập tới nguyên nhân khiến các bạn không làm chủ được ngoại ngữ bởi chính các bạn đã quá hiểu điều này. Mỗi người đều có những lý do biện minh cho việc mình không học được ngoại ngữ và nguyên nhân hàng đầu chắc chắn là “lười”.

Mình sẽ đi thẳng vào vấn đề: Với mình, bí kíp để học ngoại ngữ chỉ nằm gọn trong hai chữ “kiên trì”. Vậy kiên trì như thế nào?

Có quá nhiều những tấm gương về học ngoại ngữ và bạn vẫn cứ mải miết chạy theo họ, cố gắng tìm những lời khuyên bổ ích nhất, những cách nhanh nhất để giỏi ngoại ngữ. Tuy nhiên bạn không để ý rằng mình chỉ đang cưỡi ngựa xem hoa, đôi khi là học gạo để đủ điểm trong một kì thi nào đó. Những dòng chia sẻ về việc học ngoại ngữ bạn luôn đọc rất hăng say nhưng bạn chẳng bao giờ thực hiện được. Trong bài viết này mình cũng xin chia sẻ 5 tip hay nhất để bạn có thể làm chủ ngoại ngữ và mình tin đó là những cách bạn chẳng tìm thấy ở đâu. Đây hoàn toàn là những tip “độc” mà trong quá trình học ngoại ngữ, theo dõi những bậc thầy về ngoại ngữ mình đã đúc kết được.

  • Học ngoại ngữ từ bé:

Các bạn có thể thấy rất nhiều trẻ em ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh học ngoại ngữ ngay từ lúc bắt đầu tập viết, tập đọc. Trẻ ở độ tuổi ấy có nhiều năng lượng, có sức tiếp thu tốt và chưa gặp phải áp lực về học tập bởi vậy học 2 thứ tiếng một lúc là việc hoàn toàn bình thường. Điều cần thiết nhất trong giai đoạn này là giúp trẻ nắm được kiến thức cơ bản và có phản xạ thật tốt cho nên nhiều bậc phụ huynh đã tìm đến giáo viên nước ngoài nhằm nắn nót cho con em mình ngay từ đầu. Được tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm, trẻ sẽ tự tin hơn rất nhiều và việc cần làm tiếp theo là tạo cho trẻ hứng thú để gắn bó với ngoại ngữ: Tham gia các cuộc thi, khuyến khích bé nói ở nhà, nghe các bài hát tiếng Anh trước khi đi ngủ,… Những đứa trẻ học ngoại ngữ từ rất sớm như vậy sẽ có khả năng nghe, nói, đọc, viết rất tốt và khi lớn lên, đó sẽ là những chuyên gia về ngoại ngữ.

  • Học chuẩn ngay từ đầu:

Chỉ ở những tỉnh thành lớn trẻ em mới có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh, tiếng Nhật từ bé còn đa phần chúng ta lại không có được may mắn đó. Với mình, năm học lớp 2 mình đã được tiếp xúc với tiếng Anh tuy nhiên cách mà cô giáo dạy chỉ là để cả lớp đối phó với các kì thi. Cô dạy cũng rất dễ nhớ nhưng mọi thứ từ phát âm đến đọc viết đều không đúng như những gì người Anh đã làm. Việc dạy sai căn bản làm bạn có những thói quen, những ghi nhớ sai lầm về ngoại ngữ từ đó dẫn bạn theo những lối mòn khiến bạn rất khó sửa sau này. Khi bắt  đầu học ngoại ngữ, bạn cần một người thầy đủ giỏi và hãy cố gắng học thêm những cách mà người bản xứ sử dụng ngôn ngữ của mình. Đó là một cuộc hành trình thực sự gian nan đấy.

  • Đam mê và kiên trì:

Đây là yếu tố quyết định việc bạn có thể làm chủ ngoại ngữ hay không. Trước hết hãy tìm ra lý do để yêu nó: Người bạn thích học ngoại ngữ đó; bạn thấy nó gần gũi với mình; bạn yêu đất nước đó hay bạn yêu nó không lý do;… Có đam mê bạn mới kiên trì học, kiên trì tìm hiểu và nhất là đam mê giúp bạn tiếp thu kiến thức rất nhanh mà không cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Kiên trì ở đây không phải dăm bữa nửa tháng mới học mà hãy nói, hãy viết hàng ngày, hãy trau dồi kiến thức mới hàng ngày. Mình thấy đó là cách duy nhất và không có phương pháp nào khác cho những người lười.

  • Học không cần ghi nhớ:

Ngoại ngữ không phải toán, lý, hóa, sử, địa. Ngoại ngữ đơn giản chỉ là học cách lắng nghe, cách viết, cách nói hàng ngày. Ngôn ngữ nào cũng có những nguyên tắc riêng nhưng nếu quá chú trọng vào nguyên tắc thì ta đã biến ngoại ngữ thành môn học hàn lâm mất rồi. Điều tệ hại là hiện ở Việt Nam, ngoại ngữ đang được dạy theo những cách hết sức khô cứng: Học hết các quy tắc và đề thi cũng chỉ kiểm tra những quy tắc; không có viết bài, không có thảo luận, … Quá nhiều nguyên tắc khiến học sinh sợ sai, sợ điểm kém. Vậy bạn cần làm gì? Hãy học bất cứ thứ gì bạn thấy chẳng hạn đọc các cuốn tạp chí, xem những bộ phim yêu thích, nghe những bài hát hot,… cố gắng nhại lại và nắm bắt kiến thức từ đó. Tất nhiên cái gì cũng phải đi từ đơn giản đến phức tạp. Nếu có quên, hãy cứ quên một cách tự nhiên sau đó lại lặp lại, lặp lại cho đến khi bạn hiểu và diễn đạt lại được theo ý của mình. Học không ghi nhớ không có nghĩa là học không có lộ trình. Với mình và với rất nhiều người, điểm xuất phát đều là bảng chữ cái. Hãy phát âm thật chuẩn. Sau đó là tới chủ ngữ vị ngữ, cách viết một câu đơn giản rồi tới các thì và rồi tới những thức phức tạp hơn.

  • Tạo áp lực cho bản thân:

Đây là cách học vô cùng khủng khiếp nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng. Hãy đối mặt với một kỳ thi Quốc tế. Với tiếng Anh, mình khuyên là nên thi chứng chỉ B2, IELTS, Toefl chứ Toeic có lẽ cũng chưa đủ đô. Trong vòng 1 đến 2 năm, hãy tập trung cho một trong số các kỳ thi trên. Nó là cách thúc ép bản thân phải học ngoại ngữ. Hãy đăng ký thi trước và tự gia hạn cho bản thân đến ngày nào sẽ thành “chính quả”. Có thể bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, gặp rất nhiều thử thách và đôi khi là những phút nản lòng nhưng kỳ thi đó sẽ thôi thúc bạn không được bỏ cuộc.

Blog này mình muốn chia sẻ không chỉ với những người lập trình mà với tất cả các bạn đang khó khăn trong việc học ngoại ngữ. Tất nhiên với dân IT, việc học ngoại ngữ cần bạn quyết tâm và kiên nhẫn hơn nữa. Việc đọc được tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh là vô cùng cần thiết. Chúc các bạn sẽ học tốt ngoại ngữ và thành công trong sự nghiệp của mình.

vncoder logo

Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!