Khủng hoảng tuổi trung niên từ vụ nhảy lầu của kỹ sư 42 tuổi

Đăng bởi: Admin | Lượt xem: 2275 | Chuyên mục: Chuyện Nghề

Đang là quản lý ở tập đoàn lớn, có 2 căn hộ với thu nhập khá, anh kỹ sư Trung Quốc tìm đến cái chết khi bị thôi việc.


Lấy bằng từ hai trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc, có kinh nghiệm làm việc tại hai công ty công nghệ lớn, sở hữu hai căn hộ tại Thâm Quyến với mức thu nhập tốt và một gia đình hạnh phúc, Ou Jianxin được coi là thành đạt và đích hướng tới của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, lập trình viên 42 tuổi ở tập đoàn viễn thông ZTE này lại chọn kết thúc đời mình bằng cách nhảy xuống từ tầng 26 trụ sở công ty.

Sự việc xảy ra cuối năm 2017 nhưng vẫn gây dư âm tới nay và phản ánh hiện thực nghiệt ngã về sự cạnh tranh nhân lực trong ngành công nghệ Trung Quốc cũng như sức ép kinh tế, xã hội với những người ở độ tuổi trung niên.

Trước khi chết, Ou bị buộc thôi việc khi đang giữ chức quản lý và phải bán lại cổ phần với giá rẻ vì công ty thay đổi cơ cấu tổ chức.

Vụ việc đã châm ngòi một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số người chỉ trích công ty vì quá nhẫn tâm khi sa thải nhân viên lâu năm trước thời hạn. Một số khác ngờ vực về khả năng chấp chận chuyện bỗng dưng bị thất nghiệp của anh Ou, thậm chí kết luận rằng anh bị đuổi việc vì quá tự mãn với vị trí hiện tại và thiếu khả năng chấp nhận khó khăn.

Anh Ou Jianxin bên vợ con. Ảnh: Chinanews7.

Tuy nhiên nhiều người lại nhắm vào số tuổi của anh. Con số 42 được cho là quá già với một kỹ sư ở Trung Quốc, nơi 3/4 nhân viên công nghệ dưới 30 tuổi, theo thống kê của trang Zhaopin.

Có mái tóc ngắn, làn da mịn màng và vẻ ngoài trẻ trung, Helen He, 38 tuổi, một chuyên viên tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ tại Thượng Hải luôn bị sếp nhắc nhở đừng tuyển những người trên 35. “Hầu hết những người ở độ tuổi 30 đều đã lập gia đình và phải chăm lo cho tổ ấm, không thể tập trung hoàn toàn cho công việc cường độ cao”, Helen nói. “Nếu một ứng viên 35 tuổi chưa từng có vị trí quản lý thì CV của họ thậm chí chẳng được công ty tuyển dụng ngó ngàng tới”.

Theo Bloomberg Businessweek, áp lực lên các nhân viên lớn tuổi tồn tại ở tất cả các ngành nghề tại Trung Quốc, nhưng đặc biệt nghiệt ngã trong ngành công nghệ.

Một bài đăng tuyển lập trình viên của một công ty khởi nghiệp về công nghệ tại Bắc Kinh yêu cầu người ứng tuyển không nhất thiết phải có bằng đại học nhưng không được quá 30 tuổi. “Làm việc trong ngành công nghệ giống như làm vận động viên chuyên nghiệp. Bạn phải dốc sức lúc 20 đến 40 tuổi và hy vọng đạt đến đỉnh cao. Sau đó là lúc chuyển sang việc khác và nhường chỗ cho người trẻ hơn”, Robin Chan, một doanh nhân và nhà đầu tư vào các công ty như Xiaomi và Twitter đúc kết.

Những vết nhăn căng thẳng, chiếc bụng phát tướng, tóc lưa thưa trên đầu, vẻ ngoài nhếch nhác, mặt mệt mỏi thiếu ngủ, tay lăm lăm chiếc bình giữ nhiệt đựng nước ấm là đặc điểm chung của nhiều nam giới trung niên Trung Quốc. Họ đang trải qua giai đoạn lo âu và căng thẳng sâu sắc – một đặc điểm nổi bật của khủng hoảng tuổi trung niên thường gặp ở độ tuổi 45-55.

So với những người trẻ vừa bắt đầu bước vào đường đời đang tận hưởng tự do và đời sống độc thân, người trung niên gánh trách nhiệm phải chăm lo cho cha mẹ và con cái. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc không chỉ mang tới những lợi ích lớn lao mà còn làm tăng áp lực kinh tế, xã hội lên nhóm này. Với chi phí sinh hoạt nhảy vọt, giá nhà và khoản lo học hành cho con cái không ngừng tăng, ngân sách chăm sóc sức khỏe lớn, người trung niên đang oằn mình trước nhiều sức ép, dẫn tới sức khỏe kém đi và thiếu động lực để theo đuổi bao điều mới mẻ trong cuộc sống.

 
 

Sự thay đổi trong quá trình phát triển sự nghiệp cũng có thể ảnh hưởng tới họ. Không như những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu bước lên nấc thang sự nghiệp, rào cản vô hình khi đã ở vị trí cao và sự thay đổi công việc gây ra những sợ hãi và căng thẳng ở người trung tuổi. Thay đổi nghề nghiệp, dù chủ động hay bị ép, đều gây lo âu cho họ.

Người ta tin rằng Ou sốc vì không thể chịu được áp lực đột ngột mất việc và anh quá sợ hãi khi nghĩ mình sẽ chẳng thể chăm lo cho gia đình. Hệ quả là, anh tự tử để trốn tránh những điều ấy, để lại cha mẹ già, vợ và các con đối mặt với thảm kịch.

Nơi anh Ou Jianxin làm việc tại tập đoàn ZTE. Ảnh: Fonow.

Ngay từ bây giờ, chị Helen He đã chuẩn bị cho ngày chị bị coi là quá già cho công việc của mình. Chị có căn hộ thứ hai tại Thượng Hải đang cho thuê để có thêm thu nhập, đồng thời nghĩ tới việc viết sách trong tương lai. Chị đã viết chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp trên blog và xuất bản một cuốn sách trên mạng vào tháng 4 về cách các công ty có thể sử dụng WeChat để tiếp cận ứng viên.

Chị khuyên những người khác nên đi theo hướng này. “Chúng ta lo ngại rằng khi già đi mình có thể mất việc. Làm sao chúng ta có thể chăm lo cho gia đình và sống an nhàn sau đó? Vậy thì, phải bắt đầu làm gì đó từ bây giờ”, chị nói.

Chia sẻ với Globaltimes, Cui Bowen, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Ngôn ngữ và văn hóa Bắc Kinh cho rằng, để tránh rơi vào bi kịch khủng hoảng tuổi trung niên, mỗi người cần không ngừng học hỏi, cải thiện năng lực để theo kịp thời đại, xây dựng những sở thích và kết bạn mới. Sự lạc quan hướng tới cuộc sống bên ngoài cũng như bên trong con người mình cũng rất quan trọng.

Cui dẫn chứng trường hợp một học viên 49 tuổi của mình, là quản lý cao cấp tại một công ty bất động sản lớn. Anh ngày nào cũng bận rộn và thường xuyên phải đi công tác nước ngoài. Năng lực và hiểu biết đã đạt tới đỉnh nhưng anh vẫn tiếp tục học những điều mới. Ai tiếp xúc cũng nhận ra thái độ tích cực của anh hướng tới cuộc sống, sự tò mò muốn khám phá thế giới. Giấc mơ đi vòng quanh thế giới cùng gia đình sau khi nghỉ hưu càng thúc đẩy anh học ngoại ngữ chăm hơn. Tất cả những điều đó giúp anh không rơi vào tình trạng khủng hoảng, lo âu như nhiều người cùng độ tuổi.

vncoder logo

Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!