Cụm từ “khát nhân lực CNTT” nghĩa là gì?

Đăng bởi: Admin | Lượt xem: 2436 | Chuyên mục: Chuyện Nghề

Dạo gần đây các bạn hay nghe tới cụm từ “khát nhân lực CNTT” hay “thiếu hụt lập trình viên trầm trọng”. Không riêng gì BrSE mà trong cả khối công nghệ, các nhà tuyển dụng vẫn kêu trời tuyển không ra người. Có những công ty giờ không tuyển lẻ, mà chơi kiểu sỉ luôn 50 đến 100 cu đơ 1 lúc. Kỹ sư cầu nối thì dạo gần đây không hiếm tin tuyển 1 lần vài chục người, thậm chí vài trăm người 1 lúc (FJP vừa đăng tuyển 200 BrSE lương 700 tr đến 1,5 tỉ /năm).


Nhưng có 1 thực tế cho thấy không hẳn như vậy. Trong làng code nói chung, còn đó rất nhiều bạn trẻ tốt nghiệp IT xong… thất nghiệp. Ở xóm BrSE nói riêng, những bạn theo học tiếng Nhật, ngay cả có N3 thì cơ hội qua Nhật cũng không rõ ràng (tất nhiên những bạn code cứng mà có N2 thì bị hốt liền nên không tính). Túm váy, mình xin đính chính lại 1 chút cho đúng, đáng lẽ ra phải là : “khát nhân lực CNTT có kỹ năng”, “thiếu hụt lập trình viên đủ trình độ”, “Tuyển không ra BrSE cứng”.

Vấn đề đặt ra ở đây

  • Có kỹ năng là kỹ năng gì?
  • Đủ trình độ, kinh nghiệm – như thế nào gọi là đủ?
  • BrSE cứng – đánh giá dựa trên cái gì?

Kỹ năng

Kỹ năng này bao gồm 3 thứ mà mình đã nhai đi nhai lại như bò chả chục lần. Đó là cứng, mềm vs ngoại ngữ.

Đối với các công ty trong nước thì ngoại ngữ là “lợi thế”. Nhưng khi ra hải ngoại, ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc.

Hãy tự trang bị cho mình ít nhất 1 ngôn ngữ thật lưu loát.

Còn về kỹ năng cứng, mình biết không ít người chỉ thích làm 1 vài ngôn ngữ. Và nếu bắt học thứ khác là như đĩa phải vôi, giãy đành đạch. Dân công nghệ chi lạ vậy chài. Có hàng chục thứ phổ biến trên hàng trăm công nghệ đang được dùng. Và hàng năm, thậm chí hàng tháng lại có 1 anh coder thần thánh nào đấy đẻ ra 1 ngôn ngữ mới toanh khác. Không ai ép mình học toàn bộ ngôn ngữ trên thế giới. Nhưng tự gò bó mình trong 1 số ít ngôn ngữ lập trình là dại dột. Đặt giả sử, thứ mình đang dùng nếu năm tới không còn dùng nữa thì sao ? minh chứng rõ ràng nhất phải kể đến Adobe Flash (kết duyên em hồi 2012, đến giờ chưa dùng lại) . Ngoài ra, bạn có dám chắc là mình sẽ làm 1 công ty mãi mãi ? nếu không, khi nhảy việc mà việc ngon người ta đang cần Java, mình thì chỉ biết mỗi VB thì làm sao ? câu này các bạn tự trả lời.

Biết quá nhiều ngôn ngữ không tạo ra lập trình viên xịn, Nhưng biết quá ít là dại dột.

Cuối cùng là kỹ năng mềm. Có nhiều bạn thực sự rất giỏi mà mình từng tiếp xúc nhưng khi phỏng vấn khách hàng hay phỏng vấn “nhảy việc” bị trượt. Lý do không nằm ở kỹ năng cứng, mấy chỗ mềm mới là lợi hại. Nói khơi khơi thì hơi khó hiểu. Nó bao gồm những kỹ năng : PR bản thân, biết đối nhân xử thế, kiềm chế tính bộp chộp, tạo được sự tin tưởng, làm việc nhóm. Hay đơn giản như nói năng lưu loát, có đầu có đuôi cũng là 1 trong những kỹ năng mềm mà nhiều bạn dev xem nhẹ.

Đừng bao giờ xem thường kỹ năng mềm. Tư thế ngồi hay trang phục cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả phỏng vấn.

Đủ trình độ, kinh nghiệm

Kinh nghiệm, Haha… cái này mới vui nè. Công ty khỉ nào cũng đăng tuyển yêu cầu 2 năm kinh nghiệm. Nếu xét theo tính logic, có nghĩa là sinh viên ra trường éo bao h có việc. Theo gợi ý của mình (1 đứa sinh viên tốt nghiệp trung bình) thì hãy tạo ra sự khác biệt. Như mình là tiếng Nhật N4 lúc ra trường. Những bạn không hứng thú với ngoại ngữ thì có 2 cách : 1 là làm đẹp điểm số để có cái bằng màu mè tí, 2 là năm 3 xin đi phụ việc – đến khi ra trường là đủ 2 năm kinh nghiệm. Còn nếu không còn cách nào khác thì chịu khó làm 1 cái sản phẩm j đó vứt lên GPlay, AppStore, Github, hoặc là viết 1 trang blog cũng được. Đó chính là sự khác biệt tạo ra lợi thế.

Sinh viên đừng để bị hù bởi cụm từ “2 năm kinh nghiệm”. Hãy tự tạo cho mình chất riêng.

Trình độ, vấn đề này hơi chuyên môn. Tin đăng tuyển là Senior nhưng dễ chi mấy ông Sen nhảy việc. Đã lên tầm này thì công ty đãi ngộ không tệ. Ứng viên toàn mấy chú Junior, vậy nên mới đánh giá không đủ trình độ. Hoặc ngay cả Senior tại công ty A, quen làm project dạng maintain nhưng khi phỏng vấn qua cty B – chuyên Product, thì cũng heo ăn chỉ vì không phù hợp. Đó là chưa kể Senior Java ứng tuyển vào vị trí … C#, lệch chuyên nghành.

Tóm lại đủ trình độ có nghĩa là đúng ngôn ngữ, đúng mảng việc (migrate, maintain, develop, test ..), đủ số năm kinh nghiệm trong vị trí tương ứng. Cái này không liên quan trình độ bằng cấp. Vì nghành IT không quan trọng tốt nghiệp trường nào, bằng màu gì, mà mấu chốt là anh có chịu tự học không.

Để đừng bị đánh giá thiếu trình độ, hãy nghiên cứu kỹ yêu cầu tuyển dụng. Có thể chỉ là không hợp chứ không phải không đủ.

BrSE cứng – đánh giá dựa trên cái gì

Các bạn cứ đọc tin tuyển dụng BrSE trên mấy trang Vietnamwork hay ITviec thử đi. Đố bạn tìm ra 1 mẩu tuyển dụng không đi kèm với 2 thứ : JP N2 vs “code được ngôn ngữ xyz”. Hôm nọ mình có giới thiệu 1 anh Senior mảng test + JPN2 cho chị bên tuyển dụng của công ty F. Đã nói trước là anh ấy chuyên test rồi nhưng chị vẫn lồng thêm 1 câu : “thế có code được không em ?”. Mình bó tay luôn nhưng vẫn thông cảm. Vì BrSE không phải là làm 1 việc từ năm này qua năm khác. Nó phụ thuộc Project. Nếu làm project dài lắm 1 năm xong việc mà không tìm được project khác phù hợp thì công ty phải nuôi không cho đến khi có khách hàng mới.

Vậy nên càng biết nhiều thứ thì cơ hội càng rộng mở. Phía công ty bên Nhật sẵn sàng tuyển sang vì bạn phù hợp với nhiều dự án khác nhau. Không lo ngồi chơi xơi nước – nuôi báo cô. Túm quần lại là có 3 tiêu chí đánh giá BrSE :

  • JP N2 + : dấu “+” ở đây có ý nghĩa cả đó, vì nhiều bạn đạt N2 nhưng ăn nói ấp úng, không viết được tài liệu cũng fail.
  • Số năm mài đít code : chí ít cũng 2 năm.
  • Số năm làm lead : team lead size trên 5 người + trên 1 năm. Hoặc làm PM rồi thì quá tốt.
  • Kỹ năng xử lý vấn đề : Cái này nói ở đây dong dài, tạm gác qua bài khác sau.

Kết

Như trên mình giải mã cụm từ “khát nhân lực CNTT”, có đưa kèm 1 số đánh giá cộng cả lời khuyên. Nếu ông nào nhảy vào nói “con nít biết ếu gì mà khuyên người khác” … thì kệ mie ông. Tui thích thì tui khuyên đó, làm gì nhau ? . Các bạn sinh viên đừng có lo lắng gì nhiều mà tập trung vạch mục tiêu rồi làm theo. Còn các bạn đã ra trường đi làm nên tỉnh táo chút, đừng để truyền thông dắt mũi. Tụi nhà báo họ khôn khéo trong chuyện giật tít câu view lắm. Còn những ai mà vừa trượt phỏng vấn hay trượt tuyển dụng thì … việc đ** gì phải buồn. Chẳng qua là chưa đúng thời cơ, chưa phù hợp … chưa thích đậu thôi.

vncoder logo

Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!