[Android] Cùng bình luận về cách kiếm tiền từ ứng dụng Android

Đăng bởi: Admin | Lượt xem: 793 | Chuyên mục: Android

Kiếm tiền từ ứng dụng di động là mục tiêu cuối cùng mà các nhà phát triển hướng tới. Trong bài viết này chúng ta sẽ cũng bàn luận về cách kiếm tiền từ ứng dụng Android nói riêng và ứng dụng di động nói chung.


Kiếm tiền từ ứng dụng di động (app) là gì?

Kiếm tiền từ ứng dụng di động là quá trình chuyển đổi người dùng thành doanh thu. Một vài thể loại app phù hợp với một số mô hình kiếm tiền hơn là các thể loại khác. Một số app tập trung vào một cách kiếm tiền cụ thể.

Tại sao kiếm tiền từ ứng dụng quan trọng?

Trong khi làm ứng dụng, developer chúng ta thì đôi khi hay bị bệnh nghề nghiệp nên quá sa đà vào việc tranh cãi các kĩ thuật cao siêu mà quên đi mục đích của ứng dụng là để giúp người dùng thêm tiện ích. Người dùng thường không quan tâm đến bạn dùng cái gì đằng sau mà chỉ quan tâm hiệu quả mà nó mang lại.

Và để có app hữu ích thì app sẽ cần phải mang lại lợi nhuận bằng cách nào đó cho chủ sở hữu ứng dụng để họ chấp nhận bỏ chi phí đầu tư để làm và duy trì.

Để có thể thực hiện kiếm tiền từ app thì việc nghiên cứu chiến lược kiếm tiền là rất quan trọng, chiến lược của bạn cần đảm bảo

  • App sinh ra doanh thu
  • Giữ chân người dùng thường xuyên và đảm bảo trải nghiệm người dùng

Nhiều chủ sở hữu bỏ qua ý thứ 2. mà quên đi mất chúng ảnh hưởng đến nhau và cần phải lưu ý để có thể tối đa hóa doanh htu.

Tại sao trải nghiệm người dùng quan trọng với kiếm tiền từ app?

Trải nghiệm người dùng rất quan trọng để chiến lược kiếm tiền từ app thành công, vì doanh thu đến từ người dùng và để có nhiều người dùng app thì cần người dùng happy (hay nói cách khác là có trải nghiệm tốt).

Nhưng kiếm tiền lại thường gây hại tới trải nghiệm của người dùng, dù có giảm ít đi thì vẫn phải kiếm tiền nên bạn cần cân nhắc lựa chọn chiến lược phù hợp để cân bằng giữa hai vấn đề đó.

Các con số về kiếm tiền từ app

Doanh thu từ kiếm tiền tăng nhanh và là thị trường lớn.

Phân bổ doanh thu theo chiến lược kiếm tiền.

Đứng đầu vẫn là quảng cáo trong app với nhiều định dạng quảng cáo phục vụ cho các chiến lược kiếm tiền khác nhau.

Ứng dụng trả phí vẫn giữ vị trí ngay sau nhưng đang dần bị đuổi kịp và có thể sớm bị soán ngôi bởi dịch vụ đăng ký Subscription.

Dịch vụ đăng ký hấp dẫn chủ ứng dụng hơn khi mà mang lại doanh thu đều đặn và họ có thể quyết định duy trì hay không, và người dùng cũng không cần phải bỏ số tiền quá lớn để có thể sử dụng một ứng dụng tốt, vì như trước đây thì ứng dụng tốt cần rất nhiều chi phí để phát triển nên giá thành thường không hề rẻ.

Chiến lược kiếm tiền

Có nhiều chiến lược kiếm tiền từ app khác nhau và chủ ứng dụng có thể lựa chọn chiến lược phù hợp nhất tùy theo thể loại app mà họ sở hữu, hoặc là kết hợp một vài chiến lược với nhau để đa dạng hóa cũng như so sánh kết quả.

Quảng cáo trong app

Đây là chiến lược phổ biến bởi sự dễ dàng cài đặt và một mô hình đơn giản tuy nhiên lại có thể gây ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng app. User sau khi dùng bản miễn phí có quảng cáo mà thấy app hữu ích thì có thể mua bản trả phí để loại bỏ hết các quảng cáo.

Các nhà cung cấp quảng cáo đã cố gắng sinh ra nhiều định dạng quảng cáo khác nhau cho những case phù hợp để nhằm hạn chế nhiều nhất mức ảnh hưởng tới trải nghiệm của user mà vẫn đảm bảo có doanh thu tốt.

Các nhà cung cấp lớn về quảng cáo tỏng app có thể kể đến Google AdMob và Facebook Audience Network

Giờ chúng ta cùng nhìn qua một số định dạng quảng cáo phổ biến nhé

Banner ads

Đây là quảng cáo nguyên thủy nhất, banner ad thương được chèn đan xen vào màn hình app. Kích thước ad nhỏ nên các nhà quảng cáo cũng chỉ trả cho loại này rất ít tiền và vì có kích thước nhỏ nên khó đọc, các nhà quảng cáo thì cố gắng gây chú ý bằng cách làm các hiệu ứng để thu hút nhưng điều đó lại càng gấy mất tập trung đến user, user cũng ít tương tác thành ra doanh số mang lại cho chủ sở hữu app cũng không nhiều.

Interstitial Ads (quảng cáo xen kẽ)

Chính vì banner ad có kích thước nhỏ mà lại gây khó chịu cho người dùng nên nhà cung cấp quảng cáo đã tìm kiếm một loại khác thay thế cho nó đó là sử dụng ad full màn hình và hiển thị xen kẽ trong khi user sử dụng ứng dụng.

Tuy nhiên chủ sở hữu app cần cân nhắc chiến lược hiển thị quảng cáo xen kẽ trong ứng dụng, thời điểm phù hợp nhất để hiển thị quảng cáo xen kẽ là khi kết thúc một luồng, ví dụ một level game hay một quá trình làm công việc sửa ảnh. Và thời gian giữa các lần hiển thị ad không nên quá ngắn, do các luồng có thời gian khác nhau nên nếu thời gian luồng quá ngắn khiến cho hiển thị quá nhiều ad thì lại phản tác dụng và gây khó chịu cho user. Việc chọn thời điểm hiển thị là rất quan trọng vì nó vừa giúp người dùng giãn bớt nhịp độ và không gây phiền phức. Ngoài ra chủ sở hữu app nên cài đặt load trước nội dung ad, do ad full màn hình sẽ có chất lượng cao và kích thước lớn nên cần được load trước và sẵn sàng hiển thị ngay khi cần, nâng cao trải nghiệm dùng app.

Native ads (quảng cáo gốc)

Quảng cáo gốc được sinh ra để giảm tối đa sự phiền phức khi hiển thị quảng cáo cho người dùng. chủ sở hữu có thể tùy biến quảng cáo này như một thành phần của ứng dụng như một bài post trên timeline của facebook. Việc cài đặt quảng cáo gốc hợp lý vừa giữ trải nghiệm người dùng mà lại mang tới hiệu quả rõ rệt về doanh thu.

Dù cho quảng cáo thân thiện với người dùng và nội dung app, nhưng chủ sở hữu app vẫn cần lưu ý là luôn có chỉ báo cho user rằng đó là một quảng cáo, và việc user chạm vào đó là do họ muốn chứ không phải bị lừa rằng đó là nội dung app. Việc chỉ rõ giúp cho người quảng cáo không bị thiệt hại và đảm bảo hiệu quả đi thuê quảng cáo.

Rewarded Ads (quảng cáo trao thưởng)

Quảng cáo trao thưởng sẽ cho phép người dùng lựa chọn xem quảng cáo trong khoảng 30s để đổi lấy một lợi ích gì đó trong app hoặc sản phẩm trong game. Chủ sở hữu app cần cân nhắc mức thưởng sau khi xem quảng cáo là phù hợp để user cảm thấy đáng bỏ thời gian ra xem quảng cáo và giành phần thưởng.

Affiliate Ads

Quảng cáo liên kết là bạn sẽ đặt nội dung quảng cáo để quảng cáo cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó và nhận tiền hoa hồng từ việc user nhấn vào link liên kết bạn đã đăng ký từ trước và làm đúng các bước theo chương trình liên kết đã quy định.

Do hiệu ứng hào quang nên user thường sẽ tin vào một thứ nếu nó liên quan đến một thứ họ đã tin tưởng nên cách này khá hữu ích trong một số trường hợp.

Loại quảng cáo này khác banner ở chỗ, với banner thì doanh thu tính trên hiển thị (rất ít) và click (chính). Còn quảng cáo Affiliate sẽ ở mức khó hơn là yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ thì mới có thưởng, nhưng hiển nhiên là khó hơn thì doanh thu sẽ cao hơn rồi.

VÍ dụ có đơn vị muốn quảng cáo bán máy làm khẩu trang, thì bạn cần làm cách nào đó như viết bài quảng cáo là máy này tốt, sản xuất khẩu trang bán đi đang được giá trong mùa dịch covid-19, vân vân và mây mây để người dùng click vào link liên kết của bạn và mua máy thì bạn sẽ được hoa hồng, còn nếu chỉ click không thôi thì có lẽ sẽ được rất ít, chắc chỉ ngang doanh thu từ việc hiện banner ad.

Sponsor Ads

Loại quảng cáo này là khi mà bạn có một cộng đồng người sử dụng lớn và bạn có thể tự đặt ra các vị trí trống sẵn trong app mà tiếp cận được nhiều người rồi tiến hành thông báo cho thuê chỗ quảng cáo để các bên muốn quảng cáo có thể liên hệ thuê.

Chung quy lại về ads

Chủ sở hữu app cần cân nhắc lựa chọn chiến lược hiển thị quảng cáo tỏng app phù hợp để cân bằng trải nghiệm người dùng từ đó mới có thể tối đa doanh thu. Không có cách nào là tốt nhất ngay từ đầu và chủ sỡ hữu app cần thử nghiệm và có thể kết hợp nhiều chiến lược để so sánh.

Ứng dụng trả phí

Đây là một chiến lược có từ lâu và cũng khá đơn giản là user sẽ trả một khoản phí để sử dụng ứng dụng của bạn trọn đời. Thường là user chỉ chịu thanh toán phí khi đã dùng qua phiên bản miễn phí có quảng cáo hoặc bản miễn phí bị giới hạn tính năng. Với nhiều user thì họ thường khó chấp nhận trả một khoản ngay khi mà chưa được dùng app. Ngoài ra việc mua ứng dụng trọn đời khiến cho chủ sở hữu nhiều khi khó tỏng việc phải bảo trì và cập nhật app, đặc biệt với các dịch vụ cloud, nếu không muốn bị nói là lừa đảo thì sẽ phải bảo trì khá lâu và gây đến lợi nhuận ít. Dù các store cũng có chính sách để hoàn trả phí nếu user mua và đổi trả sớm nhưng cũng không đủ kéo thêm được nhiều user. VÌ đó mà mô hình này ngày càng kém hấp dẫn hơn.

Mua sản phẩm trong app: tiền và hàng

Doanh thu của app đến từ việc người dùng chịu bỏ tiền thật ra để mua tiền và hàng ảo trong app hoặc là hàng hóa vật lý hay dịch vụ nào đó.

Tiền và hàng ảo

Chiến lược này thường phổ biến với game, user chấp nhận trả tiền thật để mua các sản phẩm ảo trong app với mong muốn có lợi thế hơn là bỏ nhiều thời gian thì mới đạt được một sản phẩm nào đó trong app.

Tuy nhiên chủ sở hữu app cũng cần tính toán sự cân bằng giữa việc mua sản phẩm ảo với user bình thường để vẫn giữ được user bình thường dù họ chưa tạo ra doanh thu nhưng vẫn là tiềm năng và là một phần của hệ sinh thái, và user đã mua hàng để họ tiếp tục sử dụng và sẽ mua tiếp các lần sau đó.

Hàng thật và dịch vụ

Đơn giản như các đơn vị bán lẻ có thể bán sản phẩm của mình hoặc là các đơn vị cung cấp dịch vụ tạo app để bán dịch vụ của mình.

Tuy nhiên hoa hồng của việc thanh toán khi mua sản phầm trong app cho store thường khá là cao nên các bên cung cấp sẽ không mặn mà lắm mà sẽ ưu tiên các phương thức thanh toán phổ thông và phổ biến ở thị trường họ nhắm đến.

Ví dụ tiki, shoppe, lazada sẽ ưu tiên thanh toán bằng COD, ngân hàng nội địa, ví điện tử hoặc visa tuyệt nhiên ko có in app purchase

Subscription và freemium

Về cơ bản thì chiến lược này cho phép user dùng app với một phần hoặc toàn bộ tính năng trong một khoảng thời gian nào đó. Hết khoảng thời gian dùng thử thì chúng ta sẽ phải trả phí để được dùng trọn đời (Freemium) hoặc là một khoảng thời gian sau đó (Subscription).

Subscription đang trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn do user sẽ trả phí khi mà họ sử dụng, chi phí ban đầu không quá cao như mua app trả phí dùng trọn đời, user được support nhiều hơn và thấy đáng đồng tiền bỏ ra hơn. Về phía chủ sở hữu app thì có doanh thu đều đặn, dự đoán được doanh số, có thêm chi phí để phát triển app lâu dài, đồng thời user chọn sub sẽ dùng app thường xuyên hơn sinh ra nhiều dữ liệu hơn. Tại sao sinh ra nhiều dữ liệu hơn lại tốt thì mình sẽ nói ở phần sau

Phổ biến gần đây là Spotify, Netflix, Youtube premium

Kiếm tiền từ dữ liệu

Chúng ta nói nhiều về trải nghiệm người dùng khi mà bàn chuyện kiếm tiền, bởi vì nó là thứ quan trọng để giữ user tương tác nhiều trong app. Nếu không có cộng đồng tương tác lớn thì khó mà kiếm tiền hiệu quả khi mà xu hướng hiện nay là kết nối và tương tác với nhau. Và khi mọi người dùng app càng nhiều thì càng sinh ra nhiều dữ liệu.

Các thông tin này có thể được ẩn danh và định lượng, từ đó cung cấp cái nhìn có giá trị về hành vi khách hàng. Dữ liệu này được bán cho các bên dịch vụ hay quảng cáo để cung cấp trải nghiệm cá nhân tốt nhất cho user.

Dữ liệu này sẽ hỗ trợ trước hết là cho phía chủ sở hữu app có thể biết được hành vi của user và từ đó cải thiện app tốt hơn, ngoài ra dữ liệu này còn hỗ trợ các hình thức kiếm tiền khác hiệu quả hơn, quảng cáo tập trung đối tượng hơn.

Kiếm tiền từ dữ liệu hoạt động âm thầm và không gây khó chịu cho người dùng như quảng cáo, đồng thời đôi khi giúp ích cho người dùng khi nhanh chóng cung cấp các dịch vụ mà họ đang quan tâm. Ngoài ra thì chủ sở hữu app không phải chịu các chi phí hoa hồng với store.

User ngày càng thông minh và biết được tại sao app miễn phí và phí thực sự phải trả là gì nên chủ sở hữu app cần định nghĩa rõ ràng các điều khoản sử dụng, minh bạch là điều hết sức cần thiết khi mà ai cũng đòi hỏi về quyền riêng tư.

Điển hình nhất trong hình thức này thì chính là Facebook

Phí giao dịch

Các app sàn giao dịch chứng khoán, ngân hàng hay các platform của dịch vụ chia sẻ như grab, các market place như tiki sẽ thu phí dựa trên các giao dịch. Phí trên mỗi giao dịch không quá nhiều nhưng nếu số lượng người dùng đủ lớn thì số tiền phí đó là con số khổng lồ.

Các lưu ý để kiếm tiền từ app hiệu quả

  • Tìm kiếm người dùng mới
  • Kết hợp nhiều chiến lược
  • Đo lường và phân tích
  • Cập nhật thường xuyên
  • Có điểm khác biệt
  • Không quên kiếm tiền từ dữ liệu và phải mình bạch

Xu hướng kiếm tiền từ app 2020

  • Trải nghiệm app tốt sẽ dễ kiếm tiền hơn
  • Hạn chế dần ứng dụng trả phí
  • User không thích trả quá nhiều tiền để có thêm tính năng
  • Ứng dụng đăng ký subscriptions trở nên phổ biến hơn và giống như một sản phẩm SaaS (phần mềm như một dịch vụ)
  • User cần biết việc kiếm tiền từ dữ liệu và có cơ chế để họ từ chối cấp phép

Tóm lược

  • Quảng cáo trong app vẫn là cách để kiếm tiền được, tuy nhiên cần đảm bảo trải nghiệm người dùng
  • User mong muốn app là miễn phí khi tải xuống
  • Ứng dụng đăng ký Subscription sẽ trở nên phổ biến hơn khi store giảm tỉ lệ hoa hồng
  • Kiếm tiền từ dữ liệu là cách hiệu quả để tạo ra doanh thu mà không ảnh hưởng trải nghiệm người dùng.
  • Luôn có kế hoạch để kiếm tiền từ app của bạn
  • Kết hợp nhiều chiến lược kiếm tiền khác nhau để đạt hiệu quả tốt và hãy đảm bảo mọi thứ cân bằng
  • Sử dụng dữ liệu để cải thiện app, luôn học hỏi và cải tiến sẽ tăng hiệu quả lên nhiều lần.

Tham khảo

https://www.tamoco.com/blog/ultimate-app-monetization-guide/#The_ultimate_guide_to_app_monetization

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.

Chào thân ái và quyết thắng!

vncoder logo

Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!



Khóa học liên quan

Khóa học: Android

Học Kotlin cơ bản
Số bài học:
Lượt xem: 17611
Đăng bởi: Admin
Chuyên mục: Android

Học lập trình Flutter cơ bản
Số bài học:
Lượt xem: 58512
Đăng bởi: Admin
Chuyên mục: Android

Lập trình Android cơ bản
Số bài học:
Lượt xem: 22990
Đăng bởi: Admin
Chuyên mục: Android