Mạng xã hội TikTok lao đao trước cáo buộc vi phạm bản quyền âm nhạc

Đăng bởi: Admin | Lượt xem: 1248 | Chuyên mục: Chia Sẻ

Khi các nền tảng mạng xã hội càng lớn thì càng phải để ý đến vấn đề bản quyền âm nhạc. Vụ kiện của VNG khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, về việc từ trước đến nay TikTok sử dụng âm nhạc có bản quyền như thế nào.


Mới đây, VNG vừa gửi đơn kiện TikTok , cáo buộc nền tảng video ngắn lồng ghép nhạc này vi phạm bản quyền đối với các bài hát ở Việt Nam mà VNG sở hữu tác quyền. Sự việc này khiến nhiều người đặt câu hỏi từ trước đến nay TikTok giải quyết vấn đề bản quyền âm nhạc như thế nào?

Đầu năm nay, TikTok đã ký hợp đồng bản quyền với 3 nhà phát hành lớn nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc, đó là Universal Music Group, Warner Music Group và Sony Music. TikTok là nền tảng dành cho các clip ngắn lồng ghép nhạc, chưa kể âm thanh từ clip hài, nên bản quyền sẽ là vấn đề trọng điểm trong quá trình phát triển.

Khi Universal đạt được thỏa thuận bản quyền với TikTok, đồng nghĩa các nghệ sĩ như Billie Eilish, Lady Gaga, Elton John, hay Taylor Swift sẽ được trả phí mỗi lần tác phẩm của họ được lồng vào clip người dùng. Được biết, theo thông lệ, Universal sẽ còn đề nghị “truy thu” phí bản quyền với tác phẩm trước đây từng bị sử dụng không phép.

Theo tạp chí Billboard, TikTok hiện có hơn 8.000 hợp đồng bản quyền, hầu hết trong số đó được thừa hưởng từ thương vụ mua Musical.ly. ByteDance, công ty sở hữu TikTok, đã mua Musical.ly với giá 800 triệu USD vào năm 2017. Sau đó Musical.ly được hợp nhất với TikTok, tạo nên ứng dụng TikTok trên quy mô toàn cầu như hiện nay.

Trước đó, Hiệp hội các nhà phát hành âm nhạc của Mỹ (NMPA) bao gồm thành viên là Universal, từng đe dọa sẽ kiện TikTok vì vấn đề bản quyền. David Israelite, Giám đốc của NMPA khi ấy chia sẻ với Financial Times rằng, ông ước tính hơn 50% âm nhạc trên TikTok chưa được cấp phép.

Vào thời điểm đó, nhiều người đã so sánh cách sử dụng nhạc không phép của TikTok giống với Napster, nền tảng chia sẻ file nhạc nổi tiếng một thời. Napster phải đóng cửa vào năm 2001, sau khi gặp hàng loạt vụ kiện vi phạm bản quyền.

Nhìn chung bản quyền âm nhạc thường là vấn đề làm khó các mạng xã hội. Như YouTube và Facebook, khi các nền tảng này càng lớn thì càng phải để ý đến vấn đề bản quyền nhạc. Vụ kiện ở Việt Nam một phần cho thấy điều này.

Trong nỗ lực trở nên chuyên nghiệp hơn, vào đầu tháng 5, TikTok đã ban hành giới hạn nghiêm ngặt đối với các tài khoản tổ chức và doanh nghiệp. Theo Business Insider, các tài khoản được xác thực này sẽ chỉ có quyền truy cập vào Commercial Music Library, bộ sưu tập nhạc mà TikTok được cấp phép sử dụng cho mục đích thương mại.

Điều này cũng có nghĩa là, tài khoản TikTok được xác thực sẽ không thể sử dụng các bài hát theo trào lưu như trước. Đôi khi sẽ có những bài hát họ cần có giấy cấp phép. Chính sách như vậy đã được áp dụng từ lâu trên YouTube, người dùng phải tuân thủ nếu không muốn video bị gỡ xuống, hoặc nếu muốn chạy quảng cáo cho video.

Ngay cả với tài khoản người dùng, trong 6 tháng qua, TikTok đã gỡ khoảng 1.300 video vì lỗi vi phạm bản quyền. Sự chỉnh đốn này cũng có thể nhằm hướng đến việc tạo cơ sở cho chính sách trả tiền nhà sáng tạo nội dung.

Thực tế các hợp đồng bản quyền của TikTok với Universal, Warner và Sony có thời hạn ngắn hơn đáng kể so với các hợp đồng khác, thông thường kéo dài 18 hoặc 24 tháng. Nguồn tin của Billboard cho biết, nguyên là do TikTok chưa có kế hoạch cụ thể để người dùng kiếm tiền từ nội dung.

 
 
vncoder logo

Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!