Những câu hỏi phỏng vấn thường xuất hiện khi ứng tuyển ví trí UX Design ( Phần 2 )
Ở phần trước, ta đã bàn về những câu hỏi và trả lời giả định dành cho các buổi phỏng vấn UX Design với hai chủ đề chính là Mọi thứ về bản thân bạn & Mọi thứ về công việc của bạn. Trong phần này, ta sẽ tìm hiểu tiếp những câu hỏi và trả lời liên quan tới 3 phần còn lại của buổi phỏng vấn: Quá trình làm việc, Những thứ giúp bạn ghi dấu ấn & Mục tiêu của bản thân.
Mọi thứ về quá trình của bạn
Quy trình thiết kế là một dạng câu hỏi nữa mà các phỏng vấn viên UX Design rất thích hỏi. Họ muốn biết toàn bộ quá trình của bạn từ ý tưởng ban đầu cho tới khi hoàn thiện thiết kế. Họ cũng muốn tìm hiểu về suy nghĩ cũng như mục tiêu của bạn với UX.
11. “Bạn định nghĩa thế nào về UX?”
Làm ơn, xin hãy làm ơn đừng đưa ra một định nghĩa trong khung chữ nào ở trường hợp này. Người phỏng vấn biết UX là gì, họ chỉ muốn nghe cách bạn nói về nó. Nếu bạn không chắc chắn hãy tra cứu về nó trước.
“Bài viết liên quan: Tổng quan về lean ux, agile ux và cách phân biệt chúng“
Một trong những cách thức lý giải về UX design là thông qua các ví dụ thực tế. Bạn có thể nói với người phỏng vấn mình về Airbnb hay kể cho họ nghe Joe Gebbia tin rằng chỉ một thay đổi trong giao diện người dùng sẽ biến công ty này thành một doanh nghiệp trị giá 10 tỷ đô như thế nào. Hoặc, bạn có thể kể với họ lý do vì sao bạn đồng ý với quyết định của Jeff Bezos ở những ngày đầu của Amazon khi chi nhiều ngân sách vào trải nghiệm khách hàng hơn gấp hàng trăm lần so với tiền chi cho quảng cáo.
Bạn chỉ cần làm rõ ra rằng UX Design là thứ khiến cho website, app hay các sản phẩm khác trở nên dễ sử dụng và thân thiện hết mức có thể.
Và sau đó, bạn có thể nói với họ bạn có thể làm điều đó như thế nào.
12. “Thiết kế UX khác với các ngành thiết kế khác như thế nào?”
Thỉnh thoảng, đây là kiểu hỏi khó của người phỏng vấn, có lúc thì nó lại là dạng câu hỏi kèm với câu: “Bạn định nghĩa thế nào về UX Design”. Người phỏng vấn không tìm kiếm một định nghĩa hay khái niệm nào về thiết kế mà chỉ muốn biết suy nghĩ của bạn về UX.
Cũng có thể phỏng vấn viên sẽ hỏi bạn UX Design khác gì với Graphic Design hoặc sự khác biệt của UX với UI chẳng hạn. Một mẹo dành cho bạn ở trường hợp này là cần truyền đạt cho người đối diện mình thông điệp: UX làm mọi thứ hoạt động và trở nên thiết thực trong khi UI (hay các lĩnh vực thiết kế khác) thì giúp mọi thứ trở nên đẹp đẽ hơn (hãy nghĩ tới các nguyên mẫu, màu sắc hay giao diện đặc trưng).
Có công ty thì gộp cả hai bộ phận UX và UI, nơi khác thì có những đội ngũ riêng cho từng mảng. Nếu bạn đang phỏng vấn vào vị trí chỉ chuyên về UX (thuộc một team tách biệt với UI), bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy bạn phân biệt được hai mảng này một cách rõ rệt. Nếu trước đó, bạn đã từng làm việc với một đội UI, hãy cân nhắc đưa ra những ví dụ cụ thể. Hãy làm rõ nhiệm vụ của bạn là tập trung vào sự khả dụng của sản phẩm còn đồng nghiệp cùng team thì phụ trách phần thẩm mỹ như thế nào. Nếu có ví dụ sẵn trong portfolio, hãy trình bày cho người phỏng vấn bạn về nó.
13. “Quy trình thiết kế của bạn là gì?”
Nguồn hình: Springboard
Khi trình bày portfolio của mình cho người phỏng vấn, bạn nên lý giải quy trình thiết kế của mình cho họ. Tuy nhiên, đại đa số phỏng vấn viên đều sẽ hỏi thẳng bạn câu hỏi: “Quy trình thiết kế của bạn là gì?”
Thay vì trình bày lý thuyết và đưa ra ví dụ giả thuyết, bạn nên đưa ra một ví dụ thực tế và lý giải nó với người phỏng vấn. Bạn có thể đưa ví dụ trong portfolio hoặc chỉ cần diễn giải bằng lời với họ cũng được.
Không có vấn đề gì nếu bạn không đi theo từng bước của quy trình nhưng bạn cần đảm bảo thể hiện cho người phỏng vấn thấy rằng mình thành thạo nó. Nick Babich, tổng biên tập của UX Planet đưa ra một số điểm bạn cần chú trọng, như sau:
- User Research (nghiên cứu người dùng)
- Usability (độ khả dụng)
- Information Architecture (kiến trúc thông tin)
- User Interface Design (thiết kế giao diện người dùng)
- Interaction Design (thiết kế tương tác)
- Experience Strategy (Chiến lược trải nghiệm)
Bạn cũng nên cân nhắc việc chọn một cách tiếp cận người dùng mục tiêu để trình bày. Việc này giúp người phỏng vấn biết được rằng bạn hiểu mục tiêu của cả khách hàng lẫn doanh nghiệp. Hãy nhớ rằng mỗi UX designer có quy trình thiết kế riêng của mình và điều đó không có vấn đề gì. Chỉ cần bạn đảm bảo lý giải được một cách hợp lý cho người đối diện bạn vì sao bạn tiếp cận dự án theo cách bạn đã làm.
14. “Điều gì truyền cảm hứng cho bạn?”
Khi người phỏng vấn hỏi bạn tìm cảm hứng từ đâu, hoặc, bạn thường đọc blog/tạp chí… nào để cập nhật các xu hướng đương thời, đồng nghĩa với việc họ muốn biết cái gì tạo động lực cho bạn và liệu bạn còn hứng thú học hỏi hay không.
Hãy nói về các trang blog hay trang Twitter chuyên về thiết kế mà bạn yêu thích. Hoặc, nói về vài hội thảo mà bạn vừa tham dự, các bản tin mà bạn theo dõi hay những cuốn sách bạn đọc. Nếu bạn không theo dõi bất cứ trang blog nào thì đã đến lúc cần thay đổi. Dưới đây là một số gợi ý:
- UX Booth: Trang blog chuyên sâu về UX Design & strategy. UX Booth hoạt động từ năm 2008, chuyên về triết lý thiết kế, thiết kế tương tác, phân tích dữ liệu (analytics) và nhiều đề tài liên quan khác. Trang blog này cũng tập trung vào phân tích sự thay đổi của lĩnh vực web và ý nghĩa của điều này tác động lên trải nghiệm người dùng cũng như các nhà thiết kế tương tác như thế nào.
Giao diện UX Booth
- Boxes and Arrows: trang web này chú trọng vào các phương pháp nghiên cứu và quy trình thiết kế, cung cấp cho người đọc cẩm nang hướng dẫn cách cải thiện các phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu người dùng và chỉ dẫn cho người đọc về trải nghiệm người dùng.
Giao diện Boxes and Arrows
- Smashing Magazine: trang web này cung cấp cho bạn nguồn thông tin về thiết kế web nói chung lẫn các phần mở rộng về UX Design nói riêng. Bạn sẽ tìm thấy các bài viết về mọi thứ từ chiến lược nội dung cho tới lập trình khắc phục các lỗ hổng. Smashing Magazine còn có một kho sách trực tuyến phát triển không ngừng với nhiều nguồn bổ sung.
Giao diện Smashing Magazine
- 52 Week of UX: Blog này là kết quả quá trình thảo luận, trao đổi của giám đốc phụ trách mảng UX của HubSpot và trưởng bộ phận thiết kế của về những yếu tố tạo nên trải nghiệm người dùng chuẩn. Bộ đôi này đã dành một năm, nghiên cứu tỉ mỉ các vấn đề thực tế vô tình gặp phải khi thiết kế cho mọi người và đăng tải các ví dụ tốt nhất lên trang.
Giao diện 52weeksofux
- Springboard.com: Có thể là thiên vị nhưng blog Springboard hiển nhiên là một trong những trang blog công nghệ có giá trị, chuyên chú vào các nguyên tắc thiết kế chủ đạo cùng với các ví dụ thực tiễn và những lời khuyên về nghề nghiệp tốt nhất.
Giao diện Springboard
15. “Bạn thường quyết định việc thêm một tính năng nào đó vào sản phẩm như thế nào?”
Đây là câu hỏi mẹo vì câu trả lời phụ thuộc vào bối cảnh và tình huống. Bạn nên dùng những ví dụ thực tế nào đó minh họa được cho người phỏng vấn thấy cách bạn thông qua hay loại bỏ một giả thuyết. Hãy trình bày với họ quy trình UX design của bạn và đừng quên chú ý tới mục tiêu của doanh nghiệp/dự án cũng như nhu cầu của người dùng. Bạn có thể trình bày theo những điểm sau:
- Thị trường mục tiêu gồm những ai?
- Mục tiêu chính của những người này là gì?
- Tính năng này giải quyết vấn đề gì cho thị trường mục tiêu?
Bạn cũng có thể đề cập tới việc mình đã vận dụng những nghiên cứu về người dùng để thông qua các quyết định thiết kế như thế nào.
16. “Bạn đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng như thế nào?”
Như bạn biết, UX Design khác với các lĩnh vực thiết kế khác ở chỗ nó lấy người dùng làm trung tâm. Bạn có thể nói với người phỏng vấn mình rằng bạn “luôn đặt khách hàng lên trên hết” nhưng hãy chứng minh cho người ta thấy bạn làm việc đó hiệu quả hơn NHƯ THẾ NÀO. Bạn đặt mình vào mọi người rồi tìm hiểu về nhu cầu, mong muốn thậm chí cả những thói quen kỳ quặc của họ. Hay, bạn làm điều đó thông qua việc tiến hành research?
17. “Hướng nghiên cứu mà bạn dùng khi bắt đầu một dự án mới là gì?”
Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này. Cách đầu tiên chính là trả lời trung thực. Hãy nói với người phỏng vấn bạn những hình thức research mà bạn thường dùng. Vì giới hạn ngân sách nên bạn thực hiện nghiên cứu dựa trên các khảo sát trực tuyến, tuy nhiên, bạn muốn thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp hơn? Hãy nói điều đó với người phỏng vấn UX design.
Phần quan trọng trong khúc này là hãy thể hiện sự thành thạo của bạn với các quy trình research. Hãy nói về các phương pháp bạn sử dụng, phương pháp bạn muốn sử dụng và những ưu-khuyết điểm của chúng.
Những điều khiến bạn nổi bật
Gần như mọi phỏng vấn viên đều hỏi câu hỏi những câu hỏi mang tính chất phân tích tâm lý hành vi. Những câu hỏi này thường hơi khó nhằn, không phải vì bạn không biết câu trả lời mà vì bạn không rõ người phỏng vấn muốn nghe cái gì. Hãy cùng xem qua vài câu hỏi dạng này:
18. “Kể tên 3 điểm mạnh mà bạn tự tin ở mình!”
Đây là lúc bạn cần cẩn trọng. Hãy liệt kê những điểm mạnh mà công ty bạn đang ứng tuyển cần đối với UX design!
Để chuẩn bị cho câu hỏi này, lời khuyên là bạn hãy xem lại Job Description (mô tả công việc). Ví dụ, ta thử xem qua mô tả công việc cho ứng viên của Nextdoor ở San Francisco trong hình bên dưới:
Nguồn hình: Springboard
Như bạn thấy, Nextdoor cần một người có thể tạo ra “những trải nghiệm thú vị, có tính tương tác cao và lấy người dùng làm trung tâm.” Họ cũng muốn một ai đó có thể “cố vấn cho các thành viên trong đội” và “tham gia vào các cuộc họp ý tưởng, các cuộc thảo luận hay đánh giá thiết kế.” Như vậy, ở đây, bạn có thể trả lời câu hỏi về 3 điểm mạnh gồm:
- Thấu cảm: Bạn có thể lùi lại, đặt suy nghĩ của mình qua một bên và ưu tiên nhu cầu của khách hàng.
- Tố chất lãnh đạo: Trong công việc trước đó, bạn đã từng hướng dẫn một vài nhân viên thiết kế mới vào nghề và thích thú theo dõi họ trưởng thành.
- Tinh thần hợp tác: Bạn thích hợp trao đổi ý tưởng với các team khác, vì mỗi team lại giỏi một lĩnh vực và mang tới những điều mới mẻ cho dự án.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng, nếu phỏng vấn viên nào đó hỏi bạn về điểm mạnh, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần là họ sẽ hỏi bạn về điểm yếu của mình.
19. “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Nói điểm yếu của mình cho nhà tuyển dụng tiềm năng là việc nghe có vẻ khác thường. Tuy nhiên, đây là câu hỏi thông dụng. Nếu có thể, hãy cố gắng đưa ra một câu trả lời với những yếu điểm mang tính tích cực. Hãy cùng xem bảng mô tả công việc của Nextdoor ở San Francisco để xem những yêu cầu mà họ đang tìm kiếm từ ứng viên của mình:
Nguồn hình: Springboard
Như bạn thấy trong hình, đơn vị này muốn một ứng viên có thể gánh vác những dự án “thần tốc”. Điều này có nghĩa là mọi thứ sẽ luôn vận động, luôn thay đổi nhiều và nhanh. Căn cứ vào đó, bạn có thể nói về yếu điểm của mình theo kiểu:
“Tôi dễ chán nản nếu quá nhàn rỗi hoặc công việc không có thử thách gì.”
Điều này sẽ giúp bạn chứng minh với nhà tuyển dụng là bạn sẵn sàng lao vào môi trường nhiều thách thực và nhịp độ nhanh. Bạn cũng có thể nói rằng:
“Mọi người hay phàn nàn là nhận được nhiều mail của tôi sau giờ làm”
Điều này chứng minh là bạn làm việc chăm chỉ và luôn luôn trong tư thế sẵn sàng ngay cả khi đã rời công sở. (Tuy nhiên, hãy cẩn thận để chắc chắn rằng bạn thực sự muốn điều này đấy nhé!)
20. “Bạn xử lý các phản hồi tiêu cực như thế nào?”
Đừng chỉ có nói rằng “tốt”hay “rất tốt”. Hãy nói rằng bạn cởi mở với mọi loại phản hồi vì chúng góp phần giúp bạn tiến bộ. Có thể đưa ra vài ví dụ về phản hồi bạn nhận được trong một dự án nào đó và cách bạn xử lý chúng.
Bạn có thể kể về sếp cũ, người luôn đưa ra những phản hồi tiêu cực, nhưng bạn luôn nghĩ nó theo chiều hướng những phê bình mang tính xây dựng. Hãy nói rằng, bạn thà nhận những phản hồi đó từ “những người trong nhà” còn hơn là đợi khi sản phẩm ra mắt rồi và nhận từ khách hàng. Bạn và mọi người đều cùng ở một team, nếu có gì thì việc trao đổi với nhau chỉ giúp bạn nhiều hơn.
21. “Bạn thích làm việc trong môi trường như thế nào?”
Các UX Designer làm việc với nhiều team khác nhau trong cùng một tổ chức, bao gồm cả kỹ sư, quản lý sản phẩm, đồng nghiệp trong team thiết kế hay marketing… Có lúc thì vui vẻ, đôi khi là thách thức.
Trong một cuộc phỏng vấn, một quản lý tuyển dụng sẽ muốn tìm hiểu xem bạn có sẵn sàng hợp tác với người khác, có phải một đồng đội tốt hay không.
22. “Bạn chuyển giao thiết kế của mình cho các lập trình viên như thế nào?”
Đây là một câu hỏi nữa để kiểm tra xem bạn có sẵn lòng hợp tác với đồng đội hay không. Hãy đưa ra một về dự án nào đó gần đây mà bạn đã làm việc để minh chứng cho câu chuyện của mình.
Mục tiêu chính là để người phỏng vấn thấy bạn luôn sẵn sàng chuyển giao một dự án và tin rằng nó an toàn trong tay các lập trình viên.
23. “Hãy kể về trường hợp bạn không đồng tình với đánh giá của team mình và cách bạn xử lý vấn đề!”
Hãy luôn nhớ rằng những câu trả lời theo phương pháp data-driven (căn cứ trên dữ liệu) vẫn là những câu trả lời tốt nhất. Nếu có thể, hãy nói về cách dùng dữ liệu và kết quả đã chứng minh để đưa ra những lời đánh giá hay các quyết định quan trọng.
Trong trường hợp này, bạn nên nói về việc các đánh giá có dựa trên kết quả đã được chứng minh hay không, hay chúng chỉ hoàn toàn mang tính chủ quan. Nếu bạn có thể thì hãy minh họa bằng ví dụ xem đánh giá đó chủ quan ở khúc nào (ví dụ: “sếp thích màu hồng vì thế chúng ta thiết kế button hồng”)
Bạn có thể lấy ví dụ rằng bạn không đồng tình với đánh giá của team vì bạn đã nghiên cứu hành vi người dùng. Chẳng hạn như bạn đã chứng kiến người ta tương tác trên bản thử và nhận ra rằng họ có xu hướng tương tác với nút màu xanh hơn là màu hồng. Thậm chí, bạn có thể đề nghị kiểm tra thêm một vòng độ khả dụng để chứng minh hiệu quả giữa nút hồng và nút xanh. Những ý kiến bất đồng thường sẽ được xử lý nhờ vào dữ liệu khách quan tốt hơn nhiều so với các ý kiến chủ quan.
Mục tiêu của bạn là gì?
Phỏng vấn viên muốn biết liệu bạn có lên kế hoạch ở lại công ty họ và phát triển ở vị trí mà mình đang ứng tuyển vào lâu dài hay không. Vì thế, họ sẽ hỏi bạn xem bạn có xác định được vị trí của mình trong vài năm nữa không và mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì.
24. “Bạn nghĩ mình như thế nào trong 5 năm tới?”
Kế hoạch dài hạn là điều khó nói. Không có vấn đề gì nếu bạn không biết mình muốn gì trong 5 năm tới nhưng ít nhất hãy cho người ta thấy tính toán nào đó của mình.
Nếu bạn thích một công việc trong lĩnh vực UX Design, hy vọng là bạn muốn trụ vững ở đó. Hãy nói với người phỏng vấn những gì bạn nghĩ về con đường sự nghiệp của mình. Bạn muốn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể của UX? Nếu vậy, hãy nói với họ vị trí bạn đang ứng tuyển hỗ trợ bạn trên con đường đó như thế nào. Mục tiêu cuối cùng của bạn là trở thanh người đứng đầu bộ phận UX Design? Thường thì nó sẽ mất 10 năm chứ không chỉ 5 năm nhưng hãy nói với họ những gì bạn sẽ làm trong vòng 5 năm tới để đạt được mục tiêu của mình.
25. “Điều gì ở vị trí bạn đang ứng tuyển thu hút bạn?”
Nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn đam mê và nhiệt huyết vì bạn thích cái vị trí đang ứng tuyển thực sự hay bạn chỉ vì tiền. Thích công ty mình ứng tuyển và thích vị trí mình nhắm tới là hai việc khác nhau rất nhiều. Dù công ty đó có đáng mơ ước đến thế nào thì nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí không phù hợp, công việc đó vẫn không dành cho bạn.
Khi trả lời, hãy cố gắng làm rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình. Cho họ thấy vị trí bạn đang mong muốn sẽ giúp bạn củng cố những kỹ năng đã có hay cho bạn thêm những kỹ năng mới. Đồng thời, hãy cho họ biết những kỹ năng và kinh nghiệm sẵn có liệu có giúp bạn trở thành ứng viên thích hợp với vị trí này hay không.
Câu hỏi thêm: “Bạn có câu hỏi nào không?”
Câu hỏi này báo hiệu cuộc phỏng vấn kết thúc, không chỉ với các cuộc phỏng vấn vào vị trí UX Design. Nó cho thấy rằng bạn đã tập trung vào cuộc phỏng vấn và có gây ấn tượng với người đối diện.
Đặc điểm của UX Designer là hiếu kỳ. Nếu bạn đi ra khỏi phòng phỏng vấn mà không đặt câu hỏi nào, người phỏng vấn sẽ cho rằng bạn không thích thú mấy với vị trí UX design đang ứng tuyển.
Bạn nên đặt cho người phỏng vấn mình dăm ba câu hỏi hay ho (từ người tuyển dụng vòng đầu cho tới quản lý). Một số gợi ý cho bạn như sau:
- Hãy chú ý một đề tài đã thảo luận trong suốt buổi phỏng vấn và xem liệu họ có nói với bạn về dự án nào đang chuẩn bị ra mắt không? Hãy hỏi họ về những thứ về các phương pháp research họ dùng hay tình hình chạy thử của bản mẫu.
- Hỏi họ về văn hóa công ty, về cảm nhận của nhân viên khi làm việc ở đây, về doanh thu…
- Điều gì làm nên một UX Designer? Hãy thoải mái mà hỏi người đối diện bạn những câu hỏi bạn vừa được hỏi trước đó.
Người ta có thể đặt ra câu hỏi về bất cứ cái gì, chỉ để tương tác. Các cuộc phỏng vấn giống như một con phố hai chiều, người ta muốn khám phá về bạn bao nhiêu thì bạn cũng nên muốn tìm hiểu về họ y như thế.
Lời cuối
Như ta đã bàn ở phần đầu, không có bản Cliffs Notes hướng dẫn nào về các câu hỏi phỏng vấn dành cho bạn. Tuy nhiên, những câu hỏi đáp thông dụng (FAQ) và các câu hỏi tình huống dành cho các cuộc phỏng vấn vị trí UX Design thì có và đã được trình bày ở trên.
Khi đi phỏng vấn ở đâu đó, bạn không cần chuẩn bị quá kỹ càng. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo là mình có tìm hiểu về công ty, giá trị cũng như mục tiêu của họ. Hãy tìm hiểu những người mà bạn sẽ trò chuyện trong buổi phỏng vấn. Quan trọng nhất là hãy đọc kỹ bảng mô tả công việc cả ở bề mặt lẫn ẩn ý bên trong để có thể trả lời câu hỏi dựa trên thông tin có trong đó.
Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!