Quá trình Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú giàu thứ ba thế giới

Đăng bởi: Admin | Lượt xem: 980 | Chuyên mục: Chia Sẻ

Năm 2003, trang web Facemash được Mark Zuckerberg lập ra. Zuckerberg đăng tải lên đây ảnh của các bạn cùng lớp mà anh " hack" được từ hồ sơ của ký túc xá. Chỉ trong một giờ ra mắt, Facemash đã có hơn 22.000 lượt xem từ 450 người. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau trang web bị Havard yêu cầu dừng hoạt động vì lý do bản quyền và lo ngại vấn đề an ninh.


 

Sau khi đóng cửa Facemash, Zuckerberg tiếp tục lập ra Thefacebook vào ngày 4/2/2004. Vài ngày sau, 3 sinh viên Harvard khác cáo buộc Mark Zuckerberg đồng ý xây dựng cho họ một website lấy tên là HarvardConnection.com nhưng sau đó đã bỏ ngang, dùng ý tưởng này để tạo nên Thefacebook. Vụ kiện chỉ được thu xếp ổn thỏa vào năm 2008 khi những người này được quyền sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu Facebook, tương ứng 300 triệu USD tại thời điểm mạng xã hội này IPO. (Ảnh: Wikipedia)

Chỉ trong vòng nửa tháng, một nửa sinh viên Harvard đã đăng ký làm thành viên của Thefacebook. Đến tháng 3/2004, trang web này mở rộng sang các trường đại học khác như Yale, Columbia và Stanford. Một số sinh viên Harvard khác bao gồm Dustin Moskovitz, Eduardo Saverin, Andrew McCollum và Chris Hughe trở thành đồng sáng lập của trang web này. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Chỉ vài tháng sau khi ra mắt, Thefacebook đã nhận được hợp đồng quảng cáo đầu tiên. Tại thời điểm đó, Zuckerberg vẫn điều hành trang web tại căn phòng nhỏ trong ký túc xá của trường. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau anh quyết định bỏ học để tập trung cho startup của mình. (Ảnh: Mark Zuckerberg)

Vào giữa năm 2004, Zuckerberg thuê đồng sáng lập Napster – Sean Parker làm chủ tịch đầu tiên của mạng xã hội này. Tháng 6/2004, công ty mở trụ sở đầu tiên nằm tại Palo Alto, California. Cũng trong tháng này, Facebook nhận được khoản đầu tư đầu tiên trị giá 500.000 USD từ đồng sáng lập PayPal – Petel Thiel và Elon Musk – người hiện giờ là CEO Tesla và cũng là một tỷ phú. (Ảnh: AP)

Đến tháng 5/2005, Facebook đã gọi vốn được 13,7 triệu USD. Năm 2006, Facebook cho ra đời Newsfeed, tính năng cho phép người sử dụng theo dõi các hoạt động mà bạn bè đăng tải một cách nhanh chóng nhất. Vào năm 2007, Zuckerberg gặp giám đốc Sheryl Sandberg của Google trong một buổi tiệc giáng sinh. Sau đó, anh đã mời Sandberg về làm COO (giám đốc vận hành) của Facebook. Năm 2008, Zuckerberg trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới khi sở hữu tài sản tỷ USD ở tuổi 23. (Ảnh: NBCNews)

Năm 2009, Facebook chuyển trụ sở từ Palo Alto đến Stanford Research Park, nhưng đến năm 2011 công ty lại chuyển sang trụ sở khác. Cuối năm 2010, Facebook đạt cột mốc 1.000 tỷ lượt view trong một tháng. Thời điểm này, Facebook đã cho cả thế giới thấy được vai trò quan trọng của mạng xã hội đối với chính trị toàn cầu. Bản thân Zuckerberg cũng được giới chính trị gia để ý tới nhiều hơn. Cũng trong năm 2010, CEO Facebook được tạp chí Times bình chọn là “Nhân vật của năm”. (Ảnh: Facebook)

 
 
 

Ngày 18/5/2012, Facebook chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), huy động thành công 5 tỷ USD và trở thành công ty Internet có thương vụ IPO lớn nhất thế giới tính đến thời điểm đó. Cũng trong năm 2012, Facebook chi 1 tỷ USD thâu tóm Instagram. Năm 2014, công ty tiếp tục chi 2 tỷ USD mua hãng công nghệ thực tế ảo Oculus và 19 tỷ USD để sở hữu ứng dụng nhắn tin miễn phí WhatsApp. (Ảnh: Getty Images)

Sau 10 năm ra mắt, Facebook có 1,23 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng. Tháng 9/2015, Zuckerberg lần đầu có mặt trong Top 10 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes với tài sản 40,3 tỷ USD, xếp vị trí thứ 7. Tháng 3/2016, anh lần đầu lọt Top 10 người giàu nhất thế giới của Forbes, xếp vị trí số 6 với 44,6 tỷ USD. CEO sinh năm 1984 cũng là người trẻ nhất nằm trong Top 10. (Ảnh: AP)

Tháng 6/2017, Facebook cán mốc 2 tỷ người dùng hàng tháng. Tháng 3/2018, Zuckerberg xếp thứ 5 trong Top 10 người giàu nhất thế giới với 71 tỷ USD, theo thống kê của Forbes. Tuy nhiên, cũng trong năm này, vụ bê bối thông tin Cambridge Analytica vỡ lở, tiết lộ hãng phân tích dữ liệu này đã thu thập dữ liệu từ hàng chục triệu người dùng Facebook một cách bất chính. Vì chuyện này mà vào tháng 4/2018, Zuckerberg phải đứng trước Quốc hội Mỹ để điều trần. (Ảnh: Getty Images)

Năm 2019, FTC phạt Facebook 5 tỷ USD vì vi phạm bảo mật người dùng. Đây là mức phạt kỷ lục mà Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ áp dụng đối với một hãng công nghệ. Cũng trong năm 2019, Facebook công bố kế hoạch ra mắt tiền ảo Libra và điều này khiến Zuckerberg một lần nữa ra Quốc hội điều trần về tác động tài chính cũng như các quy định liên quan đến tiền ảo vào tháng 10/2019. (Ảnh: Reuters)

Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu, Facebook vẫn tăng trưởng tốt với kết quả kinh doanh quý I/2020 vượt kỳ vọng của Phố Wall. Điều này cũng giúp CEO 36 tuổi bổ sung hơn 30 tỷ USD vào khối tài sản khổng lồ của mình chỉ sau 2 tháng. Hồi giữa tháng 3, khi Thung lũng Silicon và Bay Area bắt đầu thực hiện lệnh “trú ẩn tại chỗ”, Zuckerberg xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg với 57,5 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, hiện anh sở hữu 89,1 tỷ USD, là người giàu thứ 3 thế giới, chỉ sau Jeff Bezos – ông chủ Amazon và nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates. (Ảnh: Bloomberg)

Gần đây, Facebook cũng “lấn sân” sang lĩnh vực thương mại điện tử bằng cách lập các shop cho phép doanh nghiệp mở gian hàng ảo trên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, trong tháng 4 vừa qua, công ty này cũng đã ra mắt tính năng phòng họp ảo – tương tự đối thủ Zoom – với tên gọi Messenger Rooms, cho phép người dùng có thể tạo một phòng họp ảo với 50 người tham gia. (Ảnh: Facebook)

 
vncoder logo

Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!