Vốn đã hay phải #Làm_Ở_Nhà, và đây là cách tôi giữ vững sự tập trung cho mình
Làm việc tại một công ty phần mềm, tôi không hề xa lạ với trải nghiệm làm việc ở nhà. Bản thân công việc của tôi đã có mức độ số hóa, online hóa cao nhất, văn hóa trong công ty cũng lại tập trung vào quản lý đầu ra chứ không quản lý thời gian. Vô tình, những kỳ nghĩ lễ kéo dài ở quê, những ngày trời mưa to ngập phố, những ngày phải họp từ sáng sớm đến quá giờ quy định… đã đều chuẩn bị cho tôi một trải nghiệm làm việc ở nhà hiệu quả.
Tâm sự coder – học gì để “tồn tại”?
Nghe Coder tâm sự chuyện tình buồn
Và đây là cách tôi giữ cho mình có thể làm việc hiệu quả nhất, ngay cả khi đang ở trong môi trường… rất dễ chịu của căn nhà.
Một không gian làm việc thật khác
Hãy tìm cho mình một “góc” riêng, để khi bước vào, tâm trí tự động chuyển sang chế độ làm việc.
Điều đầu tiên cần làm, đó là tạo cho mình một không gian làm việc thật khác. Ví dụ, ở nhà tôi vốn đã có một không gian riêng để đặt PC chơi game và nghe nhạc. Nhưng tôi không dùng chiếc bàn này để làm việc, thay vào đó, cứ mỗi sáng (và mỗi chiều) cách ly, tôi lại mang laptop ra bàn phòng khách ngồi.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng sẽ có điều kiện để sở hữu nhiều không gian khác nhau, nhưng nguyên tắc vẫn chỉ có một: hãy cố gắng mọi cách để không gian làm việc tách biệt ra hẳn những không gian thư giãn thường nhật. Hãy tìm cho mình một “góc”, mà mỗi khi bạn bước vào, tâm trí bạn tự động chuyển sang chế độ làm việc.
Trong nhóm của tôi, nhiều người cũng như vậy. Có người mang laptop lên kệ loa để đứng làm việc. Có người mua một chiếc ghế có gắn bàn nhỏ, hướng ra ngoài ban công. Còn nếu chỉ có một không gian, chỉ có một chiếc PC (hoặc laptop)…
Nếu bạn chỉ có một chiếc PC
Một tài khoản Windows riêng cho công việc.
Và một tài khoản riêng cho giải trí.
Tôi đã từng phải đi làm việc ở nước ngoài trong một thời gian dài, đã có những ngày không thể lên công ty khách hàng ngồi mà phải làm việc tại khách sạn. Chiếc laptop tôi mang theo cài đầy game, ban ngày dùng làm để làm việc…
Và đây là lời khuyên đặc biệt quan trọng với những người vốn chỉ dùng PC tại nhà để chơi game hay lướt face: khi phải dùng cỗ máy này cho công việc, hãy tạo một tài khoản người dùng (User Account) khác. Trên tài khoản này, hãy ẩn đi toàn bộ các đường tắt tới Steam hay Origin, hãy đừng bao giờ đăng nhập vào Facebook hay Reddit. Thay vào đó, hãy chỉ đặt các ứng dụng liên quan tới công việc mà thôi.
Một không gian làm việc tối giản nhất có thể
Hãy nghĩ thật kỹ: Bạn thực sự cần thứ gì để làm việc?
Mở rộng một chút với lời khuyên bên trên: hãy giữ cho góc làm việc của bạn luôn gọn gàng, ít vật dụng nhất có thể. Một cuốn truyện đang đọc dở, một chiếc iPad dùng để “luyện” Netflix, bộ tai nghe “xịn”, đều có thể khiến bạn đứt mạch làm việc.
Dĩ nhiên, kỷ luật bản thân là cần thiết, nhưng hãy làm mọi cách để bản thân có thể tự giữ kỷ luật một cách dễ dàng hơn. Đến cuối cùng, trong phần lớn trường hợp, thứ duy nhất bạn cần để làm việc chỉ là một chiếc PC mà thôi.
Liên tục “call” với team
Tùy vào mức độ gắn kết giữa các thành viên trong team (và dĩ nhiên là cả đường mạng), cả đội có thể bật cuộc gọi trong suốt chế độ làm việc. Đây vừa là một cách giữ được sự liên lạc luôn được thông suốt (osmotic communication) trong quá trình làm việc, một nguyên tắc mà các coder tuân theo tư tưởng Agile luôn cố gắng thực hiện.
Hãy giả lập môi trường làm việc của team mình qua các ứng dụng gọi video.
Ngoài ra, đây cũng là một cách để cả đội có thể “nhắc khéo” nhau luôn tập trung cao độ trong quá trình làm việc nữa.
“Quy tắc giao tiếp” với gia đình
Nghe có vẻ hơi tiêu cực, nhưng các thành viên khác trong gia đình có thể khiến công việc (tại nhà) của bạn bị xao nhãng. Ví dụ, đã có lúc tôi đang họp qua Slack thì mẹ tôi mở cửa vào phòng nói rất to: “Mẹ mua bánh mì về rồi, xuống ăn đi”. Mọi người nghe thấy đều cười đùa, khiến buổi họp bị đứt mạch đôi chút.
Lời khuyên của tôi: hãy thiết lập một quy tắc giao tiếp với gia đình mình trong giờ làm việc. Ví dụ, những ngày phải làm việc tại nhà, tôi luôn nhắc mẹ: Mẹ mua đồ ăn sáng thì cứ để ở bếp, xong việc đang làm con sẽ xuống ăn. Hãy nhờ bố của bạn trả lời mỗi khi có ai bấm cửa. Hãy dặn các bé (đã đủ lớn) tự ngồi học, ngồi chơi: “Bố ở nhà nhưng vẫn phải làm việc. Vẫn phải đến buổi tối, bố mới có thời gian để đọc truyện cho con”.
Chia nhỏ công việc, và cố gắng không bỏ dở đầu việc nhỏ
Các đầu việc nhỏ sẽ giúp bạn giảm thiểu ảnh hưởng từ các yếu tố xao nhãng.
Sẽ có những trường hợp bạn không thể bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi bạn phải vừa làm việc, vừa “để mắt” tới em bé để bà đi chợ ngày ông đi vắng chẳng hạn.
Để hạn chế ảnh hưởng theo cách này, hãy công việc của mình đủ nhỏ. Ví dụ, công việc của tôi có thể chia thành các hàm (function) cần thực hiện. Công việc quản lý của bạn có thể chia thành từng hóa đơn, công việc viết lách có thể chia thành từng đầu mục (như 5 đầu mục trong bài viết này).
Hãy hoàn thành từng đầu việc nhỏ này trước khi bước sang việc khác. Như vậy, khi có những điều xao nhãng xảy ra, ảnh hưởng sẽ chỉ gây ra với 1 đầu việc nhỏ mà thôi. Nếu bạn đang code dở mà lại chuyển sang trả lời mail khách hàng và con bạn chạy vào, bạn sẽ phải tiếp tục tới 2 đầu việc đang dang dở. Đó sẽ là một trải nghiệm khó chịu hơn rất nhiều.
Và đừng quên những nguyên tắc chung
Chia nhỏ đầu việc chỉ là một trong những nguyên tắc chung mà bạn nên áp dụng khi làm việc ở bất cứ đâu – ở công ty hay ở nhà. Hãy đặt cho mình các mốc thời gian để bắt đầu và kết thúc. Hãy viết các đầu việc cần làm lên note. Hãy đảm bảo một môi trường nhiều ánh sáng. Hãy đặt đồng hồ Pomodoro (ví dụ, làm việc 20 phút rồi tự cho phép mình “nghỉ ngơi 5 phút), nếu bạn tin vào phương pháp này.
Bởi đến cuối cùng, “công việc” ở đâu thì cũng vẫn là công việc. Để có thể tập trung hơn, làm việc hiệu quả hơn, hãy ghi nhận tất cả sự khác biệt giữa khái niệm “làm việc” và “nghỉ ngơi”. Và hãy tìm mọi cách để tạo cho mình 2 chế độ, dù rằng bạn vẫn đang chỉ ở nhà mà thôi.
Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!