Zoom tiếp tục tự đánh mất cơ hội thăng tiến, khi nói dối về việc có 300 triệu người dùng
Từ sau khi tăng trưởng bùng nổ đến nay, Zoom lại liên tiếp phạm sai lầm, cả trên phương diện thiết kế sản phẩm cũng như truyền thông đến mọi người.
Nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật trong bối cảnh đại dịch virus corona đang bùng phát, nhưng Zoom đang là ngoại lệ trong số đó. Chỉ mới tuần trước, dịch vụ hội nghị video trực tuyến này đã tự hào tuyên bố họ đã có hơn 300 triệu người dùng hàng ngày – một thành tích vượt bậc so với cuối năm ngoái. Thành tích này tốt đến mức nó khiến một số người nghi ngờ về điều đó – và hóa ra nghi ngờ đó lại đúng.
Theo báo cáo mới của The Verge, Zoom đã âm thầm thừa nhận rằng họ nói dối về con số đó. Trên blog của mình, công ty đang loại bỏ các bài đăng có liên quan đến tuyên bố "300 triệu người dùng" của mình. Thay vào đó, bài đăng cho biết rằng công ty hiện đang có "300 triệu người tham gia họp trên Zoom mỗi ngày."
Rõ ràng, giữa số người dùng mỗi ngày và số người tham gia họp mỗi ngày, có một sự khác biệt rất lớn.
Không giống số người dùng hàng ngày, số người tham gia họp hàng ngày có thể lớn gấp nhiều lần số người dùng thực sự. Đó là vì, cùng một người dùng có thể tham gia vào nhiều cuộc họp khác nhau trong một ngày và mỗi lần đó, công ty lại tính là đã có một người mới tham gia sử dụng dịch vụ của mình.
Vì vậy số người dùng Zoom thực tế mỗi ngày có thể thấp hơn nhiều lần so với tuyên bố của công ty.
Một sai sót đến vào thời điểm không thể tệ hơn
Cho biết về những ngôn từ gây hiểu nhầm này, Zoom nói với trang The Verge rằng, công ty "khiêm tốn và tự hào về việc đã giúp 300 triệu người tham gia họp mỗi ngày có thể tiếp tục kết nối trong suốt thời gian đại dịch."
"Trong bài đăng vào ngày 22 tháng Tư, chúng tôi vô tình cho rằng những người tham gia họp là "người dùng" và "con người"." Phát ngôn viên của công ty cho biết. "Khi chúng tôi nhận ra sai lầm này, chúng tôi đã điều chỉnh lại câu từ thành "những người tham gia họp". Đây là một sai sót về phía chúng tôi."
Sơ suất về ngôn từ của Zoom đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn cho hoạt động của công ty. Sau tăng trưởng bùng nổ trong thời gian vừa qua, gần như không tuần nào, công ty không phải đối mặt với một cáo buộc khác nhau liên quan đến hoạt động và dịch vụ của mình.
Trong vòng chưa đầy một tháng, dịch vụ thoại video này đã bị tố cáo bí mật gửi dữ liệu người dùng tới Facebook, làm rò rỉ email và hình ảnh cá nhân tới người lạ, cũng như nói dối về khả năng mã hóa của mình. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện các lỗ hổng bảo mật trong Zoom có thể làm lộ thông tin đăng nhập của người dùng Windows. Đó là còn chưa kể đến nạn quấy rối các cuộc họp trên Zoom, một hiện tượng được đặt tên là Zoombombing.
Thậm chí các sự cố bảo mật của Zoom còn nhiều đến mức chính cổ đông đã khởi kiện công ty vì che giấu các tiêu chuẩn riêng tư của họ.
Trong khi đó, những người khổng lồ khác như Facebook hay Google đang nỗ lực gặm vào thị phần của Zoom. Đế chế của Zuckerberg mới ra mắt dịch vụ gọi video riêng của mình, Messenger Rooms, hỗ trợ số người tham gia đến 50 người. Còn Google mới thông báo miễn phí dịch vụ Google Meet cho tất cả mọi người, đồng thời cũng không quên móc mỉa khả năng bảo mật của đối thủ.
Thế nhưng đối thủ lớn nhất mà Zoom đang phải đối mặt lại chính là bản thân công ty.
Sau khi tự bắn vào chân mình với quá nhiều sai sót về khả năng bảo mật và quyền riêng tư, công ty lại đang tự phá hủy thành quả của mình với các câu từ gây hiểu lầm. Việc có 300 triệu người tham gia họp mỗi ngày cũng là một thành công đáng mơ ước của nhiều dịch vụ khác, và công ty đã phá hỏng nó khi cho rằng đó là 300 triệu người dùng mỗi ngày.
Tuy vậy, có lẽ thời gian vẫn còn cho Zoom. Trong khi công ty đang nỗ lực khắc phục các sai sót của mình, và cho dù nhiều tổ chức danh tiếng đã lên tiếng về việc cấm sử dụng Zoom, nhiều người vẫn đang đổ xô đến dịch vụ này. Nếu bản thân công ty không mắc thêm các sai lầm mới nữa, có lẽ vẫn còn kịp để thuyết phục người dùng ở lại Zoom.
Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!