lý do các nhân sự Outsourcing không được yêu thích ở các công ty product
Cá nhân tôi đắn đo không biết có nên viết bài này không. Có thể sẽ động chạm tới góc khuất nào đó của cả 2 chiến tuyến “Product vs Outsourcing“. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi có trách nghiệm nói cho bạn biết những gì mà tôi biết, tôi nghĩ và tôi cho rằng nó tốt cho cả bạn và tôi.
Cách đây không lâu, CEO của một Startup khá nổi tiếng ở Mỹ và cả Việt Nam tuyên bố “Không nhận nhân sự nào làm Outsourcing quá 1 năm”. Tôi không hề biết tuyên bố đó cho tới khi rủ một câu em vào công ty thực tập. Cậu ấy nói cái ông XXX kia bảo vậy, em sợ vào công ty anh làm xong 6 tháng muốn qua đó thì cũng khó. Điều đó làm cho tôi cảm thấy lo lắng.
Ít người biết rằng có một cuộc chiến ngầm trong vấn đề nhân sự của ngành IT đang diễn ra. Bởi vì số lượng công ty đang tăng nhanh mà số lượng lập trình viên tay nghề cao lại không đủ để đáp ứng. Hệ luỵ là một cuộc chiến bắt đầu. Nhưng khoan, đừng bàn vội về cuộc chiến đó cũng như các bên đang tham gia. Chúng ta hãy quay trở lại lí do tai sao anh em làm Product lại ghét dân Outsourcing như vậy.
Cái gì cũng có cái lí của nó cả, và khi chúng ta biết tại sao người ta ghét mình, thì chúng ta cũng sẽ có được động thái thay đổi để thích nghi tốt hơn. Đó mới chính là cốt lõi mà tôi viết bài này. Sau nhiều đêm nằm trăn trở suy nghĩ, vắt tay lên thán cuối cùng tôi cũng đi tới kết luận vài điểm theo ý kiển chủ quan cá nhân.
Làm Outsourcing là làm cho thằng khác, không phải của mình.
Tôi đã từng nghĩ thế, và tôi tin chắc rằng đa số anh em làm Outsourcing cũng nghĩ như thế. Điều đó thì hiển nhiên rồi, sao phải bàn? Nhưng, tâm lí của những thằng làm Outsourcing như bọn mình là làm cho xong, “éo phải của bố mày, kệ mẹ khách hàng”, tao làm cho xong việc của tao thôi. Có bao giờ anh em nghĩ tới cảm giác mình bỏ tiền ra và nhận lại một đống “shit” không? Nếu anh em đã từng nghĩ tới cảm giác đó thì cũng hiểu cảm nhận của khách hàng. Chúng ta là người nhận tiền và mang lại giá trị cho khách hàng, nhưng thực tế ta lại chỉ quan tâm tới tiền lương còn sản phẩm làm ra thì chả cần biết khách hàng có dùng được không, hay dùng thế nào. Tâm lý mọi việc đã có các sếp lo, sản phẩm không phải của mình, I don’t care giết chết tư duy của anh em từ lúc còn là Fresher. Sản phẩm mình làm cho khách không tốt, khách không kiếm được tiền, sao họ có thể quay lại thuê mình ở dự án tiếp theo? Bảo sao anh em làm Product họ ghét là phải.
Làm Outsourcing bị thiếu tư duy làm sản phẩm
Vì sản phẩm là của người khác, nghiệp vụ là của người khác nên anh em cứ Code như một cái máy, chỉ đâu code đấy. Thậm chí Code xong còn chả biết cái chức năng đó để làm gì và mang lại giá trị gì cho khách hàng. Việc bị chia đầu việc, không được truyền đạt thấu đáo về nghiệp vụ của phần mềm cũng như Deadline đè nặng khiến cho việc “cảm nhận” sản phẩm mình làm ra không có. Tôi đã từng dính vài trường hợp Code mấy Module mà vẫn chưa hiểu được sản phẩm dùng để làm gì. Khi bạn không hiểu sản phẩm làm gì thì chất lượng làm ra sao mà tốt? Vậy điều gì khiến cho bạn không có tư duy sản phẩm? Chính là vị bạn không hiểu nghiệp vụ mà sản phẩm đó đáp ứng, không hiểu một sản phẩm được làm ra để làm gì, không hiểu khách hàng sẽ dùng sản phẩm để làm gì, không biết tư vấn cho khách hàng làm thế nào là tốt. Những thứ như tư duy về UI/UX không biết thì khó mà làm ra sản phẩm tốt, thân thiện với người dùng. Một sản phẩm làm ra không thể sử dụng, không đem lại giá trị gì cho khách hàng, bảo sao anh em làm Product họ ghét là phải.
Làm Outsoucing thích lương cao và làm quản lý.
Tôi phỏng vấn rất nhiều sinh viên mới ra trường, khi tôi hỏi “bạn dự định trở thành người như thế nào hay ở vị trí nào trong vòng 5 năm tới” thì đa số trả lời “muốn trở thành quản lý”. Khi tôi hỏi sao lại muốn làm quản lý thì nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng có một điểm chính là “lắm tiền và được làm sếp”. Bỏ mẹ, 5 năm nữa cả công ty toàn quản lý thì thằng nào Code? Làm lập trình viên và quản lý là 2 ngạch hoàn toàn khác nhau, không phải cứ làm lập trình lâu năm là bạn có thể làm quản lý. Nếu cứ mang tâm lý làm quản lý để lương cao và cố gắng để trở thành quản lý thì sản phẩm làm ra sao mà tốt? Vì cái người làm sản phẩm chỉ nghĩ cách làm sao để trở thành “quản lý” chứ có muốn trở thành một lập trình viên tài năng, một người làm sản phẩm tốt đâu?. Làn sóng áp dụng Agile và mô hình công ty phẳng khiến cho các vị trí quản lý ngày một ít đi, mọi người sẽ bình đẳng hơn trong giao tiếp và hiệu qủa công việc cũng vì thế mà cao hơn. Đặc biệt các công ty Product thường ít người, ai cũng muốn làm quản lý thì quản lý ai? Thời đại này rồi mà vẫn còn muốn làm quản lý? Lỗi thời quá, bảo sao anh em Product người ta ghét.
Làm Outsourcing khả năng sáng tạo kém, tư duy bảo thủ.
Vì sản phẩm là của người khác nghĩ ra, mình chỉ có làm theo thiết kế có sẵn nên làm gì có được tự nghĩ ra cái gì mà đòi sáng tạo. Cứ thử xem các công cụ ngon lành cành đào trên thế giới này có mấy công ty Outsoucing làm ra? Đa số toàn đi dùng lại. Tất nhiên chả ai đi làm lại cái bánh xe, nhưng anh em làm Outsourcing thường chả quan tâm người ta làm ra cái bánh xe thế nào. Vì làm việc với nhiều dạng sản phầm và công nghệ, đôi lúc chả dùng cái bánh xe nào phù hợp, lúc đó mới Á khẩu vì chả biết lấy bánh xe ở đâu mà đút vào. Cũng vì tư duy dùng sẵn nhiều mà đôi khi chúng ta chèn cả một cái thư viện to đùng vào Project trong khi Code thuần vài dòng là giải quyết được vấn đề. Như vậy thì khả năng tối ưu lấy đâu ra.
Một điều nữa là các ông bảo thủ, hay thần tượng công nghệ, luôn coi cái mình đang làm là nhất thường rơi vào các ông làm Outsourcing. Thế mới tài, vì cả đời các ông ấy chỉ có làm mãi một công nghệ, có mấy khi được dùng công nghệ khác hay công nghệ mới. Người làm sản phẩm người ta chỉ quan tâm công nghệ nào đáp ứng được nhu cầu của họ, thậm chí không đáp ứng được họ sẽ tự nghĩ ra công nghệ mới. Thời đại người ta áp dụng tới Microservices rồi, mỗi Service dùng một công nghệ riêng, giờ vẫn còn ngồi tranh luận cái của tao tốt hơn hay cái của mày tốt hơn bảo sao dân làm Product người ta ghét.
Làm Outsourcing lười.
Có người bảo tôi làm suốt ngày, thậm chí OT cũng không bao giờ kêu ca, sao lại bảo tôi lười. Nói vậy là đang tự lừa bản thân. Thử nghĩ lại xem một ngày 8h đi làm thì có bao nhiêu giờ làm chính thức? Bao nhiêu giờ vào Youtube xem video, bao nhiêu giờ vào Facebook lướt?
Các dự án trễ Deadline thi thoảng mới do lỗi Estimate sai, đa số là do năng lực của lập trình viên kém và làm việc không tập trung.
Một điểm nữa là các ông làm Outsourcing thường rất lười học, sếp bảo học gì thì học đó, hiếm khi tự tìm hiểu công nghệ mới hay đào sâu cái mình hay làm. Các hội thảo công nghệ chả bao giờ thấy mặt, tin tức công nghệ không thấy cập nhật. Giống như kiểu mấy ông chơi chứng khoản mà chẳng bao giờ theo dõi báo cáo tài chính. Ngoài các dự án làm ở công ty thì không bao giờ có Side Project. Làm 1 năm, rồi 3 – 4 năm vẫn thế, Code không có tí cải tiến nào. Thậm chí bảo sang làm công nghệ khác cũng không muốn vì lười học cái mới. Sếp không tăng lương thì chửi bới, nói xấu. Code của ông làm 5 năm mà không hơn thằng sinh viên mới ra trường thì sếp nào muốn tăng lương cho ông? Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, bảo sao dân làm Product người ta ghét.
Làm Outsourcing ảo tưởng sức mạnh.
Ngành IT đang cần nhiều nhân lực, lại làm cho mấy Ku cậu lập trình viên thêm ảo tưởng sức mạnh. Làm được 1-2 năm, trải qua vài dự án mà cứ nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Đi phỏng vấn thì Deal lương ngàn đô, chả lẽ lại bảo người đang phỏng vấn bạn lương cũng chả được bằng 1/2 như thế.
Trong CV thì ghi là làm một loạt dự án, phần công nghệ thì ghi ra biết một đống trên trời dưới bể. Hỏi ra mới biết là mỗi cái biết 1 tí. Hỏi sâu sâu tí tới Design Pattern, OOAD, System Design là ngọng hết cả mồm.
Bố tôi có nói 1 câu 11 năm trước “Làm tin học thì càng học càng thấy mình ngu” mà tới giờ ngẫm lại tôi vẫn thấy đúng. Học IT mà cứ nghĩ mình giỏi, không chịu tìm hiểu thêm thì đúng là “ếch ngồi đáy giếng”. Bảo sao dân làm Product người ta ghét.
Lời kết
Là người làm trong ngành Outsourcing, tôi thấy những vấn đề trên là cơ bản và anh em thường hay gặp phải. Tất nhiên làm Outsourcing không phải không có điểm tốt, thậm chí mỗi năm chúng ta kiếm được hàng tỉ USD nhờ ngành Outsourcing, và nó đang hàng ngày nuôi sống hàng trăm ngàn người. Nhưng là một người làm IT, chúng ta phải có sự cầu tiến, tiếp thu sự tiến bộ của nhân loại, bài trừ thói hư tật xấu. Trước mắt là cho chúng ta, tập thể công ty và sau đó là toàn thể xã hội. Hiện nay các nước như Ấn Độ, Trung Quốc giá nhân công trong ngành Outsoucing của họ đã tăng lên, cho nên đây là cơ hội nhận được nhiều hợp đồng béo bở từ các quốc gia có nhu cầu Outsource lớn. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ mãi lấy lợi thế “nhân công giá rẻ” để cạnh tranh với thế giới? Nhân lực chất lượng cao của Việt Nam phải được xuất khẩu, phải mang được nhiều ngoại tệ về cho đất nước, phải làm ra những sản phẩm đáng tự hào. Chúng ta làm Outsourcing là chúng ta đang đầu tư để chuẩn bị bứt phá.
Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!