lý do một số người khộng tìm được con đường dẫn đến thành công

Đăng bởi: Admin | Lượt xem: 790 | Chuyên mục: Chia Sẻ

Hôm nay Edward lý giải một cách logic vì sao sẽ có một nhóm người – không thể nào thành công được, ngay cả khi họ rất nỗ lực và cố gắng. Hãy cùng xem xét thông qua việc phân tích dưới góc nhìn tâm lý.


Nhiều lập trình viên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn mơ mộng về một ngày mình sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, lương ngàn đô, công việc nhẹ nhàng, sếp dễ tính, đồng nghiệp thân thiện, nói chung tất tần tật từ A-Z phải chiều theo ý của mình. Và rồi họ cũng hơi chút ảo tưởng về năng lực thực sự cũng như bằng cấp của mình. Thời nay, tấm bằng không đo được năng lực cũng như kinh nghiệm và đẳng cấp của bạn. Kết quả bạn thể hiện trong công việc, thái độ bạn thể hiện với mọi người mới nói lên bạn là ai.

Ai cũng biết, hiện nay tình trạng thiếu hụt nhân lực ở các công ty công nghệ cao luôn nằm ở mức báo động. Tuy nhiên, theo thống kê hơn 300,000 cử nhân thạc sỹ thất nghiệp sau khi ra trường. Con số ấy ngày nay vẫn tiếp tục tăng cao. Bởi lẽ thị trường không cần thêm những “thợ code”, cái thị trường cần là những lập trình viên tài năng. Và rồi, không ít những lập trình viên ấy quay sang đổ lỗi, than phiền. Họ kêu ca công ty thiếu chuyên nghiệp, sếp bóc lột, đây không phải là công việc theo đúng sứ mệnh mình sinh ra để làm. Theo phản ứng thông thường, nhóm người này bỏ cuộc quá sớm để tìm một công việc mới, hoặc tự tay “làm nên nghiệp lớn”. Và rồi sự thật phũ phàng là việc nào thì cũng khó khăn hết, công việc nào họ cũng chỉ cố làm ở mức hời hợt, theo kiểu làm cho có kinh nghiệm chứ cũng chẳng định gắn bó lâu dài gì cả. Còn chuyện khởi nghiệp, thì 90% doanh nghiệp “chết” tươi ngay sau 1 năm đầu, đó là thống kê. Để rồi khi ra trường vài năm, nhìn lại họ vẫn cứ loanh quanh, luẩn quẩn ở mức lương ba cọc ba đồng, sự nghiệp thì chưa có, kinh nghiệm cũng không, kỹ năng thì hổng chỗ nọ, kém chỗ kia.

Khủng hoảng tuổi trung niên

Theo thời gian, họ phải đối mặt thêm với nhiều trách nhiệm và áp lực. Nếu lập gia đình là trách nhiệm với gia đình, nuôi con, mối quan hệ với họ hàng. Kéo theo là áp lực tài chính, áp lực công việc, áp lực với mối quan hệ. Chưa kể áp lực khi đồng trang lứa trong khi những lập trình viên cùng trang lứa với họ làm việc ở những vị trí PM, testlead, CTO lương “khủng” khi nhìn đi nhìn lại vẫn đang chỉ là con số 0. Khi bước qua tuổi 30, có một hiện tượng tâm lý nhóm người này rất dễ mắc vào, đó là “khủng hoảng tuổi trung niên” – tức đánh mất niềm tin vào bản thân. Họ không còn tin mình có thể thành công. Và rồi họ buông xuôi tất cả. Lúc này cuộc sống với họ chỉ đơn thuần là lo chuyện cơm áo gạo tiền, giải quyết mớ trách nhiệm: nào hóa đơn tiền điện, nào hóa đơn tiền nước, nào tiền học phí cho con, sự nghiệp không thể tiến triển, cứ dậm chân tại chỗ, đầu tư cho bản thân cũng chẳng có cơ hội. Và rồi một ngày nào đó, họ chỉ còn biết “Giá như ngày xưa, mình đã làm gì đó khác đi.”

Đây là kịch bản của rất rất nhiều người ngoài kia. Ngày còn trẻ, ai cũng sung sức, ai cũng đầy nhiệt huyết hết. Nhưng khi còn trẻ mà không có nền tảng vững vàng, không làm đúng những bước đầu thì sau này sẽ rất khó, thậm chí là không thể thành công. Giống như trồng cây, bạn không thể nào gieo hạt bưởi mà lại mong khi lớn nên nó sẽ mọc thành cây xoài. Tương tự như vậy, tuổi ngoài 30 là kết quả của 10 năm đầu đời – những gì bạn làm ở tuổi 20s. Cho nên, hóa ra lúc bạn phải nỗ lực nhất, lúc bạn phải làm đúng nhất, lúc bạn phải cày cuốc, khổ ải nhiều nhất, lúc bạn phải học nhiều nhất lại là những năm tháng tuổi 20s – lúc bạn vẫn nghĩ mình là tỉ phú thời gian.

Học, làm thì ít – chơi thì nhiều – đi lên bằng chiêu trò

Tỉ phú thời gian là câu nói cửa miệng của sinh viên nói chung không chỉ sinh viên IT, và cả những người mới đi làm. Nhưng thực sự mọi chuyện không đơn giản như vậy. Giống như cơn sóng thần, nó ập đến một cách rất bất ngờ, và trước đó trời thường quang, mây thường tạnh. Khi ra trường, cùng một lúc đủ mọi áp lực ập đến, là công việc, là gia đình, là môi trường mới,.. Hóa ra, các bạn sinh viên chỉ có một vài năm ngắn ngủi để chuẩn bị cho ti tỉ việc họ sẽ phải làm. Thế nhưng, họ chuẩn bị bằng cách nào? Học, làm thì ít – chơi thì nhiều.

Nói đến học, là kêu chán. Than phiền phòng đào tạo, than phiền cơ chế, chương trình học không thực tiễn, giờ học thì ngồi ngủ. Lỗi một phần có thể do giảng viên, còn đa phần là do các bạn. Thời gian rảnh họ làm gì? Là con sâu cày phim, cày game, cày youtube. Buổi tối thì là chuyên gia đi nhậu. Mỗi khi sinh nhật, đâu chỉ đi một tăng. Phải đi tăng hai, tăng ba, tăng tư. Mà sinh viên tiền đâu ra, là trợ cấp của cha mẹ chứ đâu, hay đi làm thêm kiếm ít tiền mà đổi lại những cuộc vui chơi tốn kém như thế liệu có đáng? Chưa kể, họ cũng là vua đi chơi. Nay phải đi phượt cung này, mai lại đi phượt cung kia. Nói thẳng ra, thi thoảng đi thì có trải nghiệm sẽ rất vui. Nhưng mà đi liên tục, sinh viên vừa ít tiền, lại ít lựa chọn, chưa kể rủi ro nhiều. Trong khi thời gian đó, cân bằng lại, trải nghiệm vừa phải, đi chơi vừa phải; tập trung sức mạnh cho việc học, học chuyên ngành, học ngoại ngữ, phát triển bản thân, rèn luyện thể chất để đến khi đi làm ngay lập tức tạo ra sự khác biệt.

Thời sinh viên thì hay thích dùng thủ đoạn khôn lỏi, luồn lách, lươn lẹo, làm trò gian dối. Tuy nhiên, sự thật là cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Không có sự giả dối nào sống mãi với thời gian, và không sự thật nào không lớn lên cùng năm tháng. Với những chiêu trò, thủ đoạn thì đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, sớm muộn gì cũng bị phát hiện. Cho nên, bạn trẻ làm ơn đừng vội nghĩ đến thủ đoạn, bởi có thể bạn thông minh, khôn lỏi nhưng hãy nhớ núi cao còn có núi cao hơn. Đó là chân lí. Sẽ có người nhìn thấy những điều đó, vấn đề chỉ là thời gian.

 
 

Đứng núi này trông núi nọ

Rất nhiều bạn lập trình viên mới ra trường gặp hiện tượng này. Họ bắt đầu một công việc, làm nó một cách hững hờ, được một thời gian thì chán, và họ nhảy việc. Sang công ty khác, được cái này thì mất cái kia, rồi gặp rắc rối, mâu thuẫn họ lại tiếp tục nhảy việc. Cứ như vậy, mỗi lần đi xin việc, nhìn trong CV thì hoành tráng: kinh nghiệm làm chỗ nọ, chỗ kia, trong thời gian ngắn mà làm tới mấy công ty liền. Mà cứ nhảy việc liên tục như vậy thì lấy đâu ra kinh nghiệm và năng lực thực tiễn.

Với nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, dĩ nhiên đó sẽ là ứng viên họ ưu tiên loại đầu tiên bởi lẽ tuyển mấy bạn như vậy về để làm gì khi mà kinh nghiệm duy nhất họ có là kinh nghiệm nhảy việc. Trong tuyển dụng, có hai trường hợp tuyển dụng sai lầm nhiều nhà tuyển dụng rất lưu ý đó là tuyển dụng người nhưng sau đó không làm việc được (False Positive – FP) và không tuyển dụng người có thể làm được việc (False Negative – FN). Nhận biết FN thì bất khả thi nhưng nhận biết FP thì dễ, chỉ cần cho làm thử vài tháng là kiểm tra được ngay trình độ, lúc ấy họ loại cũng chưa muộn.

Với những người như này, họ luôn luôn không được làm bài bản và thành thục một kỹ năng chuyên nghiệp nào đó. Bởi lẽ thời gian đầu công ty nào cũng phải đào tạo bài bản hết cho nhân viên. Chưa kể, nhân viên còn phải thích nghi với văn hóa doanh nghiệp, ít nhất cũng cần phải có 1 năm để hiểu. Xong rồi cần từ 2-3 năm để thành thục công việc, để được giao thêm nhiều việc lớn hơn. Nếu cứ nhảy việc liên tục, làm sao họ có thể thành thục công việc ở tầng chuyên gia được. Mà như thế, làm sao họ có thể thành công được.

Công thức của thành công là nguyên tắc 10 000 giờ.

Đây là công thức mà nhiều sách, nhiều người đã đúc kết lại. Nếu đo lường bằng thời gian làm việc nó vào khoảng từ 7 – 10 năm trong nghề để có thể tích lũy đủ 10.000h. Trong thời đại công nghệ, nếu bạn có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ và cập nhật công nghệ liên tục, cũng như có khả năng tự học tốt thì có thể rút ngắn xuống từ 5 – 7 năm. Thêm vào đó, nếu có sự tác động của thầy giỏi – người có kinh nghiệm thực sự kèm cặp thì thời gian và khả năng cập nhật kỹ năng, kinh nghiệm sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, công thức này đúng nhưng chưa đầy đủ. Bạn có thể thấy có nhiều người họ làm việc 25 – 30 năm trong nghề, mà vì sao lại không tạo ra sự đột phá? Câu trả lời ở đây là do họ làm đi làm lại một việc nhưng không cập nhật, nâng cấp, cải tiến, tích lũy bổ sung kinh nghiệm cho mình. Thêm vào nữa, ở đây có một bẫy tâm lý gọi là “mắc kẹt ở mức trung bình”. Khi con người ta làm việc ở mức độ trung bình, không quá kém, mọi thứ ổn, họ rất dễ bị dậm chân tại chỗ. Đó là lý do vì sao có những người sẽ vẫn không đột phá và trở thành chuyên gia nếu không liên tục nâng cấp bản thân mình.

Có những chuyện phải chuẩn bị trước khi quá muộn 

Có nhiều thứ lúc chúng ta học thì không cần dùng đến. Và nghịch lý nằm ở chỗ, khi có việc cần phải có kiến thức đó thì chúng ta lại không kịp học. Chẳng hạn, khi bạn học Tiếng Anh – bạn chưa chắc đã dùng đến ngay (chưa có cơ hội). Nhưng giả sử cơ hội đến (ví dụ bạn được đi du học) mà bạn lại chưa có Tiếng Anh, thì chắc chắn lúc đó không thể nào kịp. Cho nên, có những chuyện phải chuẩn bị trước khi quá muộn.

Ở các nước phương Tây, chẳng hạn ở Mỹ – các bạn trẻ được giáo dục về sự tự lập từ khi rất sớm. Chẳng hạn như khi bước vào trường đại học, ở tuổi 18 – họ bắt đầu lập các tài khoản khác nhau để tiết kiệm dần. Và một trong số đó, có một tài khoản mà ít người chú ý, nhất là khi còn trẻ, là tài khoản tiết kiệm tiền để nuôi con. Có thể khi mới là sinh viên, chưa thể kiếm được nhiều tiền nhưng tư duy cần chuẩn bị từ sớm là một tư duy rất đúng đắn. Vô tình như vậy, họ ý thức sớm cho tương lai của mình và dĩ nhiên sẽ không còn lãng phí tiền bạc. Đó chỉ là một ví dụ. Thêm một ví dụ khác, có nhiều người lúc sinh con – vẫn chưa hề chuẩn bị kiến thức về nuôi dạy trẻ. Mà khi đó đủ thứ áp lực, đủ tình huống phát sinh thì sao mà kịp thời cập nhật kiến thức. Cho nên, lúc cần học kiến thức về nuôi con, giáo dục con, giáo dục sớm hóa ra lại là khi mà chưa có con. Nhưng khi chưa có con mà lại đi học kiến thức nuôi dạy con, có khi lại bị nói là khùng, đó là nghịch lý.

Nếu muốn thành công sau này, ngay từ bây giờ bạn trẻ nên dành thời gian để chuẩn bị. Hãy nhớ “Thành công trong chuẩn bị là chuẩn bị cho thành công” hay “Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”. Sự chuẩn bị toàn diện mọi yếu tố để bản thân có CÁI TÂM (đạo đức) – có CÁI TẦM (tầm nhìn) và có CÁI TÀI (tài năng thực sự). Chuẩn bị thì có đủ thứ, nhưng sớm bao nhiêu, chuẩn bị được nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu, chẳng hạn như:

  • Chuẩn bị thật tốt về thể trạng và thể lực. Tuổi trẻ là phải khỏe mạnh thực sự. Chú ý cẩn trọng về ăn uống, ngủ nghỉ, chế độ tập luyện thể dục, thể thao.
  • Chuẩn bị về ngoại ngữ. Tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Và ráng thì ngày nào cũng đọc, học bằng tài liệu nước ngoài để nâng tầm tư duy.
  • Chuẩn bị kiến thức về tài chính, làm giàu. Sự giàu có chân chính mang lại sự tự do, chỉ đơn giản vậy thôi.
  • Chuẩn bị kiến thức và kỹ năng về làm chủ bản thân và các mối quan hệ. Ngày nào chúng ta cũng phải giao tiếp, đây là việc không thể tránh khỏi.
  • Chuẩn bị về chuyên môn. Làm nghề gì cũng được, miễn là lọt vào TOP 1% những người giỏi nhất. Mà muốn thành chuyên gia, ngày nào cũng phải học và đầu tư kiến thức vào lĩnh vực mình theo đuổi.

Còn nhiều thứ nữa, bạn đọc có thể cùng liệt kê ra.

Ngay từ bây giờ, khi bạn còn trẻ, có thời gian thực sự thì phải trân trọng quãng thời gian này. Tích lũy những thứ cần phải tích lũy, làm những việc mình cần phải làm, sống cuộc đời bạn muốn sống bởi lẽ chẳng ai mong muốn một ngày nào đó trong tương lai, mình lại bị rơi vào nhóm người không thể thành công.

vncoder logo

Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!