Lý do tôi dời thung lũng Silicon để đến Việt Nam
Về tác giả Justin Nguyen: Justin được biết đến với nhiều vai trò như doanh nhân, nhà đầu tư và kỹ sư. Anh từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí tại 4 công ty startup ở Thung Lũng Silicon, Thượng Hải và cả Việt Nam. Gần đây nhất, anh vừa thành lập công ty Aspect Gaming, một công ty về game dành riêng cho thị trường châu Á. Justin từng theo học ngành kỹ sư máy tính tại trường California Polytechnic State University.
Những năm gần đây, mỗi khi nghĩ về Việt Nam thì hình ảnh những chiếc cần cẩu ngổn ngang khắp phố xá luôn tràn ngập trong trí não tôi. Một số người cho rằng nó làm xấu đi hình ảnh của đô thị hiện đại, nhưng tôi lại thấy khác. Ở đó, tôi thấy hình ảnh những toà nhà chọc trời đang mọc lên như một biểu tượng của một Việt Nam đang thức giấc mang đầy tham vọng.
Việt Nam, quê hương tôi, một nơi luôn tràn đầy năng lượng và sức sống của tuổi trẻ. Nơi đây gợi cho tôi nhiều về những ngày tôi còn vẫy vùng ở Thung Lũng Silicon. Thật ra, lý do tôi trở về Việt Nam không hoàn toàn vì tình cảm hay những quyến luyến dành cho quê hương, mà thật sự nơi đây càng ngày càng khiến tôi tin rằng, Việt Nam dường như đang được tái sinh lần nữa trong một hình hài mới, một đất nước thiên đường cho các công ty startups quốc tế đầy tiềm năng.
Nếu đã lâu rồi bạn không ghé thăm Việt Nam, tôi dám chắc bạn sẽ bất ngờ trước sự năng động và đa dạng của hệ sinh thái công nghệ nơi đây. Nhìn vào lịch hằng ngày của tôi sẽ biết, tất cả được đặt kín bởi các cuộc gặp, sự kiện công nghệ, và đương nhiên là cả hackathons nữa. Rất nhiều startups, incubators, accelerators và các quỹ đầu tư mạo hiểm mọc lên như nấm sau mưa. Một nguồn năng lượng đầy mê hoặc.
Đương nhiên, nếu vì những tiếng vang ảo đó thì tôi đã không về đây và xáo trộn toàn bộ cuộc sống của mình. Tôi có một dự cảm rằng việc trở thành nhà đầu tư mạo hiểm của mình tại Việt Nam là hoàn toàn xứng đáng.
Việt Nam có đầy đủ nguyên liệu cho một bữa đại tiệc về cách mạng công nghệ. Một đất nước có dân số trẻ, được đào tạo bài bản, một cộng đồng lớn những người luôn muốn tiếp nhận những thứ mới . Đây chắc chắn sẽ là một chuỗi phản ứng dây chuyền cho cuộc cách tân công nghệ tiếp theo. Sau đây là những lý do.
“Hiệu ứng” Việt Nam
Dù bị đánh giá là một nước nghèo, với GDP bình quân đầu người ở mức 2,100 đô, Việt Nam có tỷ lệ dân số biết chữ lên đến 94.5%. Có lẽ, khi nói đến Startup, Việt Nam lại trở nên thật vượt trội với những chuyên ngành như toán và khoa học.
Đặc biệt, khi nhìn vào các cuộc thi quốc tế, bạn sẽ dễ dàng thấy được một số lượng lớn các học sinh Việt Nam lọt vào hàng top của bản xếp hạng. Những số liệu cụ thể phải khiến cho một số chuyên gia thật sự nhìn vào và tìm hiểu hiện tượng này, họ gọi nó là “Hiệu ứng” Việt Nam.
“Hiệu ứng” Phương Tây
Để tạo được một công ty công nghệ tầm quốc tế, ít nhất bạn phải phải thông thuộc các cách thức cũng như văn hoá làm việc của phương Tây.
Việt Nam có lượng dân số chỉ chiếm ⅙ dân số Đông Nam Á, nhưng lại có lượng du học sinh đi du học cao nhất khu vực. Theo thông tin của viện giáo dục quốc tế, năm 2016, có đến 21,403 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, nhiều hơn Indonesia, Philippines và cả Thái Lan cộng lại.
Tuy nhiên có một lý do nữa khiên tôi tin rằng Việt Nam là một miền đất hứa. Việt nam đang có một lượng lớn Việt Kiều trở về nước để đầu tư thúc đẩy các công ty công nghệ.
Họ trở về đây với cùng một lý do như tôi, vì nguồn nhân tài dồi dào, chất lượng cao và không quá mắc tiền, dân số có trình độ học vấn, và đặc biệt là nền văn hóa nuôi dưỡng những người mới khởi nghiệp. Ngoài ra, họ còn có một khả năng về việc thấu hiểu song song 2 nền văn hoá phương Tây và phương Đông một cách thuần thục.
Sau đây là một số ví dụ về những nhân vật mà tôi có dịp được làm việc cũng như gặp gỡ trực tiếp tại cộng đồng công nghệ hiện nay.
- Binh Tran, co-founder của San Francisco-based Klout, trở về làm việc bán thời gian tại Việt Nam. Hiện anh đang là venture partner của 500 Startups Vietnam.
- Henry Nguyen, lớn lên tại Virginia, cũng trở về Việt Nam làm việc và hiện đang làm việc tại đang là managing general partner tại IDG Ventures.
- Sonny Vu, người đồng sáng lập Misfit, hiện đang là chủ tịch – CTO tại Fossil Group – Connected. Anh đã tìm kiếm được rất nhiều những kỹ sư tài năng tại nơi này.
Việt Nam có những chính sách khuyến khích cho Việt Kiều bằng những chương trình visa đặc biệt cũng như tạo ra những cơ hội để họ có thể có lại quyền thường trú dân của mình.
Thậm chí ngay cả khi họ không trực tiếp trở về, thì họ lại có một sự đóng góp lớn về mặt kinh tế. Theo số liệu của The World Bank, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2016 đạt 13,4 tỷ đô cao gấp 10 lần so với 1,3 tỷ đô vào năm 2000.
Sức trẻ
Việt Nam thật sự có một thế mạnh bởi sở hữu một lực lượng lao động trẻ và đầy tiềm năng. Theo số liệu năm 2010 của Central Intelligence Agency, 85% dân số Việt Nam nằm ở độ tuổi 54 hoặc trẻ hơn, một nửa dân số có độ tuổi dưới 30. Đây có thể nói là một vùng đất cực kỳ tiềm năng về mặt thị trường cũng như về việc tìm kiếm kiếm nhân tài trẻ.
Một lợi thế đặc biệt khác
Việt nam còn có những lợi thế vượt bậc khác. Cuộc cạnh tranh giữa các nước trong khu vực với thị trường quốc tế tưởng chừng rất khắc nghiệt, nhưng khi nhìn kỹ hơn, bạn có thể thấy rõ rằng một đất nước sẽ bị tuột lại bởi vì một là nó quá to hai là nó quá nhỏ.
Với dân số 260 triệu dân, Indonesia là một trong những nước đông dân nhất Đông Nam Á. Bởi vì sự to lớn của mình, đây là một trong những nơi mà các công ty tìm đến đầu tiên, cũng chính vì vậy việc cạnh tranh giữa các công ty quốc tế và nội địa trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Mặt khác, Singapore với GDP đầu người đạt 53.000 đô đã và đang trở thành một nước “phương Tây” theo cách riêng của nó. Với dân số chỉ 5 triệu dân, bạn sẽ nghĩ rằng các doanh nghiệp nơi đây sẽ hướng đến các thị trường quốc tế lớn hơn. Sự thật lại hoàn toàn khác, bởi tính chất đặc biệt về địa lý cũng như tầm ảnh hưởng của mình, Singapore lại có xu hướng tấn công thị trường khu vực nhiều hơn là các thị trường lớn khác.
Từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam. Với dân số 90 triệu người, Việt Nam vô tình trở thành một trong 15 nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, với một tầng lớp trung lưu đang lên, các công ty công nghệ nơi đây cũng đang nhắm tới những thứ xa hơn để trở thành những kỳ lân thật sự. Khác hẳn với Singapore, Việt Nam hướng nhiều hơn về thị trường quốc tế, đương nhiên họ hoàn toàn có đủ khả năng để làm điều đấy.
Tôi tin vào trực giác của mình
Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào trực giác của mình, ngoài những chỉ số về kinh tế, tôi tin trái tim luôn dẫn mình đi đúng hướng. Tôi đã từng có cảm giác này khi còn ở Thung Lũng Silicon. Sự trẻ trung và năng động nơi đây đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới đầu tư để mở ra những công ty công nghệ hàng đầu. Và đây chắc chắn cũng sẽ là những mầm ươm đầu tiên cho các cuộc cách mạng công nghệ vượt bậc trong khu vực.
Tôi thật sự không biết liệu chúng ta có thể dùng bất cứ thứ gì để đo đạc làn sóng này. Tôi đã từng là một kỹ sư và nhà kinh doanh ở rất nhiều nơi trên thế giới, tôi tin rằng Việt Nam cũng sẽ như Thung Lũng Silicon, sẽ thay đổi thế giới trong một tương lai không xa.
Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!