Tìm điểm tương đồng giữa Seo & User Experience
Bài viết dưới đây điểm qua một vài lời khuyên thực tế từ tác giả Stoney G de Geyter về SEO/UX nhằm hướng dẫn bạn các bước tối ưu hóa UX (User Experience) và SEO sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu của người dùng tìm kiếm, vừa tạo cơ hội cho website của bạn đứng trong trang đầu của kết quả tìm kiếm.
Khi mới bắt đầu bước chân vào con đường làm SEO, ranking là điều duy nhất tôi quan tâm. Hơi xấu hổ nhưng đúng là thế! Những bước tối ưu của tôi chỉ là lặp lại keyword trên trang càng nhiều càng tốt mà không chú ý tới trải nghiệm của người dùng.
Từ cái thuở ban đầu ấy đến nay cả tôi lẫn ngành này đều đã đi được một chặng đường dài.
Trên thực tế, qua nhiều năm, một trong những bước tiến đáng kể đến của ngành này chính là các chuyên gia SEO, những người còn được gọi với các chức danh như digital marketer (tiếp thị viên kỹ thuật số), web marketer (tiếp thị viên website), inbound marketer (tiếp thị viên nội hàm, khai thác các giá trị sẵn có bên trong sản phẩm)… đã phát triển thành một vị trí marketer (tiếp thị viên) thực thụ.
Chúng ta nhận ra rằng hỗ trợ các dự án kinh doanh trong việc tiếp cận, thu hút và chuyển đổi thành công người dùng thành khách hàng mục tiêu thậm chí còn quan trọng hơn cả việc tăng ranking chọ họ trên các công cụ tìm kiếm.
Bên cạnh đó, không chỉ chúng ta mà ngay cả các hệ thống tìm kiếm cũng phát triển hơn trước rất nhiều. Mấy tay spammer chuyên nghiệp luôn tìm mọi cách sơ hở nhất để tiến vào hệ thống xếp hạng & kiếm một thứ hạng nào đó trong bảng ranking. Phải mất nhiều công sức mới loại bỏ được những loại này. Vì thế, các hệ thống tìm kiếm buộc phải nâng cấp tiêu chuẩn & những người làm SEO cũng phải nâng cấp theo. Vòng lặp này kéo dài nhiều năm cho tới hiện tại, nên có thể nói rằng, các công cụ tìm kiếm phải cảm ơn những người như chúng ta.
Tuy nhiên, những người làm SEO thông minh luôn phải những người đi tiên phong, trước khi các công cụ tìm kiếm cho ra đời bất cứ loại thuật toán nào.
Panda, Penguin, Hummingbird và tất cả các bản cập nhật thuật toán khác đều không có tí ảnh hưởng nào lên các web marketer, những người chỉ chú ý tới việc đẩy mạnh website cho khách hàng của mình. Trong khi đó, những người này vẫn luôn đi tìm kiếm cách nào đó dễ dàng để chiếm được các thứ hạng rồi lại vất vả giữ thứ hạng hết lần này tới lần khác. Mặt khác cũng có một số ít người vượt qua các thuật toán này như mong đợi, lý do chỉ đơn giản là vì bản chất nó vốn thế.
Thay vì chú trọng thứ hạng trên bảng ranking và trông chờ điều này sẽ mang lại thành tích nào đó, ta nên tập trung vào việc đạt được SỰ TĂNG TRƯỞNG cho client của mình. Bất cứ doanh nghiệp hay mảng kinh doanh nào muốn phát triển được cũng đều phải chú ý tới khách hàng của mình trước tiên.
User Experience là yếu tố then chốt để chạy SEO
Có cả nguyên một mảng về tối ưu hóa UX (User Experience) đòi hỏi bạn phải có trình độ chuyên môn nhất định để thực hiện. Các chuyên giao SEO điển hình chưa chắc đã là một chuyên gia UX đúng nghĩa. Tuy nhiên, họ vẫn hiểu được nhiều nguyên tắc căn bản về trải nghiệm của người dùng trên website (Website User Experience).
Tối ưu hóa UX không có gì đặc biệt ngoài việc tập trung vào visitor (người vào trang web). Mọi thứ chúng ta làm trong lĩnh vực web marketing (tiếp thị website) đơn giản chỉ là đặt sự chú ý của mình vào visitor.
Sự thật là chúng ta làm mọi thứ để phục vụ các công cụ tìm kiếm. Nhưng các công cụ tìm kiếm thường cần ta làm những việc đó đơn giản vì họ biết user (người dùng, người tìm kiếm) của họ muốn gì.
Các công cụ tìm kiếm sở hữu nhiều cơ chế khai thác dữ liệu tiên tiến nhất thế giới. Chúng không chỉ giúp người dùng tìm thấy những gì họ muốn mà còn tổng hợp được các dữ liệu giúp những công cụ này hiểu được hành vi của người dùng. Từ dữ liệu có được, các thuật toán mới có thể trích ra thêm những thông tin người dùng muốn tìm kiếm & loại bỏ bớt những gì họ không cần.
Có thể thấy rằng những website đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng sẽ có nhiều cơ hội hiển thị ở trang đầu của kết quả tìm kiếm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn làm bất cứ điều gì cho các công cụ tìm kiếm cũng là đang làm điều đó cho người dùng của mình.
Ta không nên coi User Experience (trải nghiệm người dùng) là một phần phụ của SEO.
Những chuyên gia SEO khôn ngoan sẽ không chỉ tìm cách thỏa mãn yêu cầu của các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing mà còn tìm mọi cách để cải thiện cả chất lượng trải nghiệm người dùng (User Experience) của họ.
Lý do chính đáng là các công cụ tìm kiếm chỉ đánh giá được một phần nào đó hành vi của người dùng. Nếu họ thấy ai đó ra khỏi website của bạn và quay trở lại trang kết quả tìm kiếm thì họ chỉ biết rằng người dùng đã thoát trang, họ không biết tại sao. Trong khi đó, trang web của bạn có thể mắc từ 1 tới 10 lỗi sai, gây ra hành động thoát trang đó.
Việc này chẳng ảnh hưởng gì tới hệ thống tìm kiếm. Với họ, đơn giản là việc người dùng đã thoát trang & có thể chỉ do thứ hạng website của bạn không tốt lắm.
Việc của bạn với tư cách người làm SEO là xác định điều gì tạo nên hành vi đó của người dùng, tìm ra giải pháp để đưa tới một kết quả tốt hơn cho visitor.
Các bước triển khai SEO/UX thực tiễn
Như tôi đã đề cập ở trên, bạn không nhất thiết phải là một chuyên gia UX (user experience) để có thể cung cấp một trải nghiệm người dùng tốt hơn, bổ sung cho chiến dịch SEO của mình.
Trên thực tế, cách để bắt đầu tốt nhất chính là từ kiến thức căn bản.
Trước khi ta đi vào những yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện UX/SEO, hãy nhớ rằng “quan trọng nhất” ở đây có nghĩa là những điều tốt nhất cho ta, lĩnh vực và visitor ta đang phục vụ. Vì, những thứ tạo nên kỳ tích cho một website nào đó có thể sẽ lại khiến website của bạn thất bại. Không phải vì Amazon làm điều gì đó mà bạn cũng cần phải làm đúng như thế (Dĩ nhiên, điều này cũng có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể làm thế!)
Keyword Research – Nghiên cứu từ khóa
Điểm bắt đầu của hầu hết các chiến dịch tiếp thị trực tuyến (online marketing) là nghiên cứu từ khóa (keyword research). Việc này ảnh hưởng tới phần từ thiết kế web tới thông điệp trên site hay thanh điều hướng tới nội dung.
Đây không hẳn là bước thực hiện quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện cho website của mình nhưng là bước đầu tiên và cần thiết để bạn có thể thực hiện được hầu hết các bước sau đó.
Khi bạn nắm được cách thực hiện bước keyword research, bạn nên lưu ý vài điểm sau để tìm hiểu xem từ khóa nào quan trọng với chiến dịch của mình trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Ngôn ngữ của người dùng
Từ khóa mang lại cho chúng ta những thông số insight hết sức giá trị về cách người dùng nghĩ tới sản phẩm hay dịch vụ của ta.
Thường thì các doanh nghiệp hay dùng ngôn ngữ bản địa của những người thuộc ngành hay lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người dùng không ở trong lĩnh vực này và cũng không chắc đã biết các loại từ ngữ “chính thống” miêu tả các loại sản phẩm hay dịch vụ chuyên biệt.
Bước nghiên cứu từ khóa không chỉ tìm ra từ ngữ mà người ta hay sử dụng để miêu tả những gì họ muốn mà còn cả những từ mô tả vấn đề hay giải pháp mà ai đó đang tìm kiếm. Đây là thông tin giá trị sẽ giúp ích cho nội dung của bạn sau này.
Ý định & mục đích của người dùng
Bạn sẽ luôn muốn đưa người dùng tới các trang phù hợp với mong muốn của họ. Tuy nhiên, không phải mọi từ khóa hay cụm từ đều thể hiện suy nghĩ hay ý nghĩa của nội dung người dùng muốn tìm kiếm.
Ví dụ, một người thực hiện tìm kiếm với cụm từ “website audit” (biên tập trang web) có thể đang tìm ai đó thực hiện việc biên tập trong khi người khác cũng dùng từ này lại có thể đang tìm kiếm cách thức để tự thực hiện việc này chẳng hạn.
Thông thường, mục đích hay ý định sẽ rõ ràng hơn nếu ta dùng những cụm từ dài hơn.
Dù sao, hãy cẩn thận khi đưa ra các giả định.
Kêu gọi nhấp chuột (Clickable)
Tối ưu hóa website không chỉ để tăng thứ hạng mà còn để kêu gọi người dùng click vào trang của bạn. Công bằng mà nói, thứ hạng của bạn càng cao thì khả năng người dùng vào trang bạn càng lớn. Tuy nhiên, không có lý do gì để bạn cần cái công bằng đó khi mà bạn có thể xuất sắc đánh bại các kết quả tìm kiếm khác.
Bạn hoàn toàn có thể thu hút được lượt nhấp chuột vào trang nhiều hơn hẳn những đối thủ có thứ hạng cao hơn mình. Chỉ cần bạn đảm bảo rằng mọi thông tin về website của bạn hiển thị trên trang tìm kiếm thu hút sự chú ý của người dùng với một loại ngôn ngữ phù hợp với họ.
Nội dung nhạt nhẽo trên trang kết quả tìm kiếm sẽ khiến tỷ lệ nhấp chuột của bạn thảm hại vô cùng.Vì thế, hãy cho người dùng một lý do để lựa chọn website của bạn thay vì 10 – 20 đường link khác cũng hiển thị trên trang.
Title Tags – Thẻ tiêu đề
Đây là phần dễ hút click nhất trong trang kết quả tìm kiếm.
Phần này chỉ có giới hạn khoảng 70 ký tự, vì thế, hãy dùng nó một cách khôn ngoan!
Hãy đảm bảo là bạn sử dụng đúng loại ngôn ngữ phù hợp với bộ tìm kiếm, với keyword và cung cấp các thông tin bổ sung, có liên quan tới mối quan tâm của người dùng.
URLs/Breadcrumbs
URL của trang hay Breadcrumb của một trang web thường sẽ hiển thị ngay sau title tag.
Phần này giúp người dùng có thêm thông tin bổ sung liên quan tới kết quả họ tìm kiếm.
Nếu URL hoặc breadcrumb hiển thị không có giá trị hay phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng, họ có thể xem trang web của bạn như một lựa chọn bên lề.
Meta Descriptions
Đây là phần ngay sau URL trong trang kết quả tìm kiếm.
Ở phần này, bạn sẽ có thêm khoảng trống để củng cố hay mở rộng hơn thông điệp đặt trong title tag. Bạn có thể thu hút người dùng của mình bằng một đoạn giới thiệu trong khoảng từ 30 đến 300 ký tự. Tốt nhất, bạn nên tối ưu thông tin cần truyền tải trong vòng 150 ký tự.
Xin nhắc lại rằng, hãy viết những gì có giá trị với người dùng đang tìm kiếm thông tin để khuyến khích họ click vào trang web của bạn và đừng quên dùng ngôn ngữ của chính họ.
Cảnh báo: Đừng tốn thời gian quá nhiều vào việc này vì Google thường viết lại các thẻ này trong trang kết quả tìm kiếm.
Giữ dấu
Thu hút người dùng click vào website của bạn đương nhiên là việc tốt nhưng chưa phải là tất cả. Bạn còn nhiều việc phải tiến hành.
Hãy nhớ rằng visitor luôn vội vã. Họ không muốn mất nhiều thời gian để cố gắng tìm hiểu xem họ đang ở đâu và liệu trang web họ đang truy cập vào có cung cấp được đủ thông tin họ cần hay không.
Thực tế, nếu người dùng không tìm thấy những gì họ cần tìm, họ sẽ ra khỏi trang của bạn chỉ trong vòng vài giây. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần đảm bảo làm mọi thứ có thể để chứng minh cho họ thấy trang của bạn là nơi họ cần đến.
Đây chính là việc mà ta gọi là “giữ dấu”
Người dùng lần theo chính dấu vết mà bạn để lại trên trang kết quả tìm kiếm. Có điều gì đó đã khiến họ click vào website của bạn từ kết quả này. Việc của bạn bây giờ là phải nhanh chóng khẳng định với họ rằng bạn có thứ họ đang tìm kiếm, đồng thời khuyến khích họ tiếp tục tương tác với website cho tới khi tìm ra được kết quả hay giải pháp họ cần.
Đừng để họ mất dấu ở bất cứ điểm nào. Nếu bạn để họ mất dấu, bạn sẽ mất họ.
Site ID
Một trong những điều đầu tiên mà người dùng ghé thăm trang bạn nhìn thấy là Site ID hay còn gọi là logo nhận dạng website.
Logo của bạn nên rõ ràng, mạch lạc, tránh để rối mắt người dùng. Sẽ rất tốt nếu bạn thêm vào logo hay dòng tagline vài thứ có liên quan tới những gì mà người dùng đang cần hay đang tìm kiếm.
Header Tags – Thẻ đề mục
Ngoài logo, người dùng vào trang web của bạn sẽ có xu hướng nhìn vào đề mục (header) phía trên đầu nội dung trang để đảm bảo rằng trang web mà họ đang vào cung cấp đúng loại thông tin họ tìm kiếm.
Thẻ đề mục phổ biến (thường là thẻ H1 & chỉ thẻ H1 trên trang) nên cung cấp cho người dùng thông điệp tương đồng với thẻ tiêu đề (title tag) của trang.
Bạn không bị giới hạn gì với thẻ này trừ việc nội dung bạn tạo ra cần có ý nghĩa tuy nhiên, bạn nên tận dụng điểm này để củng cố, bổ sung thêm cho thông điệp đã có trước đó và cho title bạn đã tạo ra.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các loại đề mục bổ sung để chia nhỏ các loại nội dung dài.
Người dùng truy cập trang thường xem xét nội dung để tìm câu trả lời hay giải pháp, các thẻ đề mục sẽ và nên giúp họ làm điều này dễ dàng hơn.
Navigation – Thanh điều hướng
Một dấu hiệu khác mà người dùng truy cập thường dùng để xác nhận là họ đang vào đúng trang web là xem xét bộ điều hướng. Đây chính là cơ hội rất tốt để bạn cho họ thấy giá trị trọn vẹn của website.
Bạn cung cấp một loại sản phẩm và dịch vụ hay nhiều hơn?
Dù là phương án nào thì bạn cũng đừng nên ẩn chúng dưới một đường link đề “shop” (cửa hàng) hay “service” (dịch vụ). Hãy hiển thị chúng trong phần điều hướng của bạn, nhóm chúng vào các đề mục có liên quan. Như thế, chỉ cần liếc qua thanh điều hướng của bạn là khách truy cập có thể biết bạn cung cấp cho họ cái gì.
Bên cạnh đó, thanh điều hướng cũng là nơi tuyệt vời để tận dụng các từ khóa đã lựa chọn. Mỗi liên kết điều hướng đều có thể chứa một cụm từ khóa dẫn người dùng tới nội dung hay giải pháp liên quan.
Tối ưu hóa nội dung
Phần này giúp bạn hoàn thiện nhu cầu tìm kiếm của người dùng. Nó không chỉ là việc bạn để hương thơm quyến rũ, lôi kéo các “thực khách” của mình vào website nữa mà là nơi bạn cần bày món chính lên cho họ. Bất kể là người dùng đang tìm kiếm cái gì, khi đã tới đây, họ cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin.
Hãy để nội dung tập trung vào một loại nhu cầu nào đó của khách truy cập & dùng các liên kết (link) để kết nối khách tới những thông tin khác nếu cần.
Mỗi trang nội dung nên có một mục tiêu chính, mọi thứ trên trang này cần phải hướng khách hàng tới mục tiêu đó.
Dùng các từ khóa cần (hoặc có liên quan) nhưng chú ý sao cho nội dung chỉ đề cập tới một chủ đề duy nhất, phục vụ được yêu cầu của khách và đáp ứng được mục tiêu của bạn với họ.
Call to Action – Kêu gọi hành động
Thanh điều hướng là phần quan trọng, nhưng bạn cần phải kết hợp với các phương thức kêu gọi hành động khác để đạt được mục tiêu của trang. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng cách bạn kêu gọi hành động chắc chắn sẽ đáp ứng được đúng mong muốn của khách hàng khi họ click.
Mỗi trang đều có mục tiêu chính khác nhau nhưng không phải khách truy cập nào cũng sẵn sàng thao tác. Vì thế, tốt hơn, bạn nên chuẩn bị thêm vài mục tiêu phụ cùng phương thức kêu gọi hành động tương ứng để giữ chân họ duy trì tương tác trên trang bạn thông qua một đường vòng nào đó.
Tốc độ nhanh
Tốc độ là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình tối ưu.
Dù thao tác tìm kiếm được thực hiện trên nền tảng nào (máy tính bàn, máy tính bảng hay điện thoại di động) thì các hệ thống tìm kiếm cũng bị hạn chế khá nhiều nếu trang của bạn tải quá chậm, đặc biệt là ở những nơi có kết nối chậm.
Người dùng tìm kiếm và cả khách truy cập đều vô cùng thiếu kiên nhẫn. Họ sẵn sàng bỏ trang và thực hiện thao tác tìm kiếm mới nếu họ phải đợi quá lâu để xem được nội dung bạn cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần làm mọi thứ để website của mình hoạt động với tốc độ nhanh tối đa.
Image Compression – Nén ảnh
Những bức ảnh lớn thường chiếm nhiều băng thông. Trong khi đó, hình ảnh với độ phân giải HD ngày càng trở nên phổ biến khiến bạn khó mà tìm giải pháp thông qua việc giảm chất lượng để tăng tốc độ. Thay vào đó, bạn nên căn cứ vào chất lượng ảnh sẵn có để lưu ảnh ở các định dạng tối ưu như jpg, gif, bmp.
Ta cũng có thể nén hình ảnh bằng các loại công cụ sẵn có để giảm bớt kích thước mà không làm giảm đi chất lượng của chúng.
Code gọn gàng, linh hoạt.
Nhờ sự tiến bộ của công nghệ, ngày nay, ta có thể làm nhiều thứ chỉ với vài dòng code trong khi chỉ vài năm trước đó, ta phải dùng tới một dãy mã lệnh.
Sự tiến bộ này vẫn không ngừng phát triển và là một tín hiệu tốt cho ngành thiết kế web nói chung. Nó cũng đồng nghĩa với việc nếu bạn không tiến lên nghĩa là bạn đang lùi xuống chứ không chỉ dừng lại.
Hãy tạo ra những dòng code gọn gàng, sạch sẽ, tốc độ trang của bạn sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Server nhanh
Dịch vụ lưu trữ website (web host) của bạn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới tốc độ.
Chia sẻ server sẽ làm website của bạn chậm đi, vì thế hãy cân nhắc dùng server chuyên dụng. Điều này đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp có nhiều traffic.
Hãy trao đổi dịch vụ lưu trữ bạn đang sử dụng xem bạn có thể làm gì để cải thiện tốc độ website của mình ở mức chi phí tối thiểu. Mỗi đơn vị có những cách khác nhau, chủ yếu là bạn không được để server của mình làm cản trở tốc độ web.
Luôn kiểm thử mọi thứ
Luôn dành thời gian để cải thiện mọi thứ. Bạn thay đổi điều gì đó khiến mọi việc trở nên hiệu quả không có nghĩa là nó không thể tốt hơn được nữa. Bạn nên test mọi thứ có thể test được kể cả khi bạn thử không thành công điều gì đó.
Dù một bản thử có hỏng đến mức nào thì cũng là kinh nghiệm cho bạn học hỏi. Ta làm sao biết nên hay không nên làm gì nếu không thử, phải không?
Trong một thế giới hoàn hảo, trước khi chuyển sang bước tiếp theo nào đó, hãy thử mọi thay đổi bạn có thể tạo ra với bản UX của mình để xem liệu kết quả thử nghiệm đó có cải thiện được hiệu suất hay không.
Sự thật là chúng ta sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vì thế, hầu hết mọi trang web đều ở tình trạng coi việc lựa chọn giải pháp tối ưu nhất trong số các kết quả đo lường thu được là tốn thời gian. Nếu muốn, có thể bạn sẽ tạo ra những thay đổi tiến bộ hơn khi cải thiện những bước tốt nhất ta vừa đề cập rồi quay trở lại thử nghiệm nhiều thay đổi và bổ sung khác.
Theo dõi VnCoder trên Facebook, để cập nhật những bài viết, tin tức và khoá học mới nhất!